Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang – 'Cửa mả' rình rập bà bầu, trẻ sơ sinh?

Từ thời xưa, các cụ vẫn có câu “Gái chửa, cửa mả” để nói về những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người phụ nữ mang bầu và hài nhi trong bụng.

Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học và sự nâng tầm về chất lượng sống, nguy cơ trong tai biến sản khoa đã giảm đáng kể. Vậy nhưng, tại một nơi được chuyên môn hóa cao để chuyên sâu chăm sóc, điều trị, cấp cứu phục vụ các bà bầu, trẻ nhỏ như Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang thì dường như “cửa mả” lại rộng mở với nhiều bà bầu, trẻ sơ sinh.

Ông Lê Công Tước, PGĐ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang

Theo đơn tố cáo, sự việc 2 chị em ruột bị cắt bỏ tử cung, thai nhi chết do Bệnh viện Sản – nhi Bắc Giang chẩn đoán nhầm nhưng sau 2 năm Sở Y tế chưa thành lập Hội đồng Chuyên môn để xem xét vụ việc. Chỉ đến khi bà Hà Thị Thuý Liên, mẹ của hai thai phụ, người được uỷ quyền có đơn kiến nghị và trực tiếp Bộ y tế chỉ đạo mới thành lập Hội đồng chuyên môn.

Gặp họa theo cùng một “công thức”

Theo đó, tối ngày 19/8/2014, sản phụ Lê Thị Vịnh (Á Lữ, Phường trần Phú, TP. Bắc Giang) được nhập viện Sản - Nhi Bắc Giang (BVSN). Đến 2 giờ sáng ngày 20/8, sản phụ Vịnh có biểu hiện đau bụng dữ dội đồng thời thăm khám có xuất huyết.

Đến 4 giờ sáng ngày 20/8, bà Liên, mẹ của chị Vịnh bỗng nghe thấy tiếng hét đau đớn của sản phụ Vịnh, lúc này các y bác sĩ kíp trực mới đến đưa sản phụ đi siêu âm và chuẩn đoán nhưng … không ra bệnh và cho rằng chị Vịnh có khả năng bị viêm ruột thừa nên làm giấy chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang (BVĐK) và dặn nếu qua đó khám mà là bệnh của sản nhi thì quay trở lại.

“Trước đó, con gái tôi có khám tại phòng khám tư của ông Tước, Phó GĐ Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Giang thì được kết luận là sức khỏe bà bầu và thai nhi hoàn toàn bình thường”, bà Liên nói.

Theo tường trình của bà Liên, ngay sau khi chuyển sang BVĐK, chị Vịnh đã được các bác sĩ chuẩn đoán và kết luận bị vỡ cổ tử cung, tràn dịch và huyết ra ngoài chứ không phải bệnh viêm ruột thừa. Ngay lập tức phía BVĐK đã trực tiếp gọi điện cho BVSN để cử bác sỹ cùng phối hợp mổ. Kết quả, sản phụ tuy được cứu sống nhưng phải cắt bỏ cổ tử cung để cầm máu. Còn cháu bé không giữ được do bị ngạt vì thiếu oxy.

Khi sự việc còn chưa nguôi ngoai thì 2 năm sau, tai họa lại đến với người con gái tiếp theo của bà Liên theo cùng một… “công thức”. Theo đó, chị Lê Thị Nhị (em ruột chị Lệ Thị Vịnh) lại là “nạn nhân” kế tiếp và đáng chú ý là sự việc diễn ra hệt như những gì xảy ra với sản phụ Vịnh như thể theo một quy trình có sẵn.

Theo lời kể của bà Liên, con gái bà là sản phụ Nhị nhập Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vào ngày 20/5/2016 để chờ sinh. Giống như chị ruột của mình, trước khi nhập viện, sản phụ Nhị lại có đến siêu âm tại nhà bác sĩ Lê Công Tước (Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) và được kết luận bình thường. Đến 7h sáng, chị Nhị có biểu hiện đau bụng dữ dội và đã được y, bác sĩ đưa vào phòng để siêu âm, xét nghiệm, chuẩn đoán nhưng không ra bệnh. Một lần nữa, bệnh viện nghi ngờ do bị tiết niệu, ruột thừa nên các bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi cho chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cũng như chị gái của mình, ngay sau khi sang Đa khoa và đưa vào phòng xét nghiệm, các bác sĩ ở đây lại một lần nữa kết luận không phải bệnh “viêm ruột thừa” còn bệnh nhân thì bị sốc trụy mạch do chảy máu trong ổ bụng, vỡ tử cung, tử cung đôi phải phẫu thuật đồng thời gọi điện sang bên Sản Nhi để cử người phối hợp phẫu thuật.

Kết quả chị Nhị đã phải bỏ thai nhi, cắt tử cung bán phần, thai nhi cũng không giữ được. Cũng giống như chị của mình, chị Nhị vĩnh viễn mất quyền làm mẹ.

Kiên quyết không nhận sai

Trước nỗi đau quá lớn, gia đình bà Liên đã nhiều lần có đơn thư yêu cầu Sở Y tế Bắc Giang, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang làm rõ nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, những đề nghị trên không được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, gia đình bà Liên đã làm đơn kêu cứu gửi Bộ Y tế.

Ngày 02/11/2016, Bộ Y tế có công văn số 7889/BYT – BM – TE yêu cầu Sở Y tế Tỉnh Bắc Giang: “Khẩn trương tổ chức họp Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh để giải quyết đơn đề nghị của gia đìn bà Hà Thị Thuý Liên và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng”.

Đến ngày 15/11/2016, Sở Y tế Bắc Giang thành lập Hội đồng Chuyên môn để đánh giá, xem xét lại sự việc đối với sản phụ Lệ Thị Vịnh và Lê Thị Nhị. Sau khi xem xét lại hồ sơ bệnh án, Hội đồng Chuyên môn đã kết luận đối với sản phụ Lệ Thị Vịnh. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng là ông Bùi Thế Bừng, Phó GĐ Sở Y tế Bắc Giang chủ trì.

Theo văn bản cuộc họp, các thành viên đã thống nhất kết luận: “Đây là trường hợp vỡ cổ tử cung không điển hình cùng với trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc yếu kém đã dẫn tới chẩn đoán thiếu chính xác”.

Tuy nhiên, cùng với đó, văn bản kết luận này cũng nêu ra một loạt các ưu điểm: “Thực hiện đúng quy trình chuyên môn, kĩ thuật; Đảm bảo đầy đủ nhân lực trong xử lí cấp cứu; Không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm chăm sóc người bệnh; Đáp ứng đầy đủ điều kiện trang thiết bị y tế, thuốc men; Theo dõi chăm sóc đầy đủ; chẩn đoán bệnh nhân đến tuyến phù hợp, có phương tiện vận chuyển và cán bộ y tế hộ tống.

Và để khẳng định mình không sai, khi trao đổi với PV, ông Lê Công Tước (Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho biết đây là một ca khó, bệnh hiếm gặp, còn không có sai sót trong quá trình khám chữa bệnh. Bên cạnh đó các bác sĩ đều có trình độ chuyên môn tốt, kinh nghiệm từ 10 – 20 năm. Về trách nhiệm, ông Tước khẳng định đây là do bệnh hiếm gặp, xuất phát từ bản thân của người bệnh nên phía bệnh viện không có trách nhiệm.

Theo SKCĐ

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/benh-vien-san-nhi-bac-giang-cua-ma-rinh-rap-ba-bau-tre-so-sinh-p54387.html