Bệnh trầm cảm và phương pháp điều trị

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần gồm nhiều triệu chứng, nhưng hay gặp nhất là sự buồn bã sâu sắc và người bệnh không còn quan tâm hay thích thú đối với tất cả những gì xảy ra chung quanh hoặc đối với bản thân mình. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, mất hy vọng vào tương lai. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị sụt cân hay tăng cân do thay đổi cảm giác ngon miệng; mất ngủ hay ngủ quá nhiều; bồn chồn, dễ tức giận; thấy bản thân vô giá trị hoặc bị một tội lỗi gì ghê gớm; khó khăn khi muốn suy nghĩ, muốn tập trung chú ý hay khi phải ra một quyết định nào đó; thường xuyên nghĩ đến cái chết hay có hành động chuẩn bị tự tử. Rối loạn này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào nhưng thường gặp nhất là ở lứa tuổi từ 22 đến 44. Phụ nữ dễ bị trầm cảm gấp đôi so với nam giới.

Nguyên nhân gây bệnh trầm cảm gồm: Trầm cảm nội sinh (còn gọi là trầm cảm chưa rõ nguyên nhân): Có nhiều giả thuyết cho là do di truyền, miễn dịch, môi trường sống và yếu tố xã hội... nhưng chưa có giả thuyết nào có tính thuyết phục. Trầm cảm do stress: Chẳng hạn như khi mất việc làm, những mâu thuẫn trong cơ quan hoặc gia đình, con cái hư hỏng, thất bại trong hôn nhân, thất bại trong công việc, bị sụp đổ lòng tin hoặc có người thân chết đột ngột... Trầm cảm do các bệnh thực tổn: Sau chấn thương sọ não, sau tai biến mạch máu não hoặc xơ vữa động mạch não, các bệnh nan y như ung thư, lao, phong... Để trị được bệnh trầm cảm, cần thực hiện những việc sau: Tránh cảm giác chán đời, nên cố gắng đừng để cho mình quá rảnh rỗi; nên tạo cơ hội cho mình bận rộn bằng việc gia chánh, thêm việc ở cơ quan hoặc học thêm… Cũng rất nên đi chơi, giải trí với loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích. Đừng bỏ qua cơ hội, và hơn hết là nên cố gắng thu xếp tham gia những hoạt động tập thể ở cơ quan để tiếp xúc với đồng nghiệp, tạo niềm vui mới… Trong sinh hoạt cộng đồng, bạn sẽ thấy mình có ích cho người khác, được mọi người quý mến. Trầm cảm nếu được chữa trị sớm và đúng cách thì tỉ lệ bệnh ổn định khá cao (70 đến 80%). Trầm cảm không thể chữa khỏi chỉ bằng tập thể dục, thay đổi chế độ ăn hay đi nghỉ ngơi, thư giãn, mà phải kết hợp với việc điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với tâm lí liệu pháp. Bác sĩ: QUỐC TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/7/21/21/102872/Default.aspx