Bệnh nhi sốt xuất huyết nhập viện tăng cao

Tuy chưa vào đỉnh dịch, nhưng số trẻ bị sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội đã tăng cao, có nơi cao gấp hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng lo là có những trẻ bị biến chứng rất nặng. Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện trẻ bị mắc SXH, phụ huynh cần theo dõi chặt và đưa đến cơ sở y tế để khám điều trị kịp thời.

PGS,TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay số trẻ đến khám SXH tăng cao gấp gần mười lần, với số lượng 185 trẻ. Hiện, có 28 bệnh nhi điều trị nội trú, năm bệnh nhi trong số này đã bị biến chứng. Còn tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, mỗi ngày tiếp nhận khoảng ba, bốn trẻ bị SXH đến khám và điều trị, hiện có sáu trẻ nằm viện.

Riêng tại BV E, TS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị từ 30 đến 40 trẻ mắc các bệnh như sốt vi-rút, cúm, tiêu chảy do rô-ta vi-rút… Riêng với SXH, có những đêm khoa tiếp nhận đến sáu trường hợp. Hiện tại, Khoa Nhi có 18 bệnh nhi đang điều trị SXH. Trong đó có một trường hợp mắc SXH nặng, có biểu hiện sốc, kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động, các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho người bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch, thì xuất hiện tình trạng thoát huyết tương gây tràn dịch màng bụng và đa màng. Các bác sĩ ở Khoa Nhi phải thường xuyên túc trực để theo dõi sát sao 24 giờ trong ngày, áp dụng các biện pháp chống sốc đặc biệt. Đến ngày điều trị thứ tám, bệnh nhi mới có dấu hiệu phục hồi, ăn, ngủ được và cắt sốt, tràn dịch màng bụng giảm, các chỉ số sinh hóa dần trở về bình thường.

TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư cho biết, SXH rất nguy hiểm, biểu hiện bệnh lại không rõ ràng, khiến nhiều cha mẹ dễ dàng bỏ qua. Bệnh càng tiến triển nhanh trên cơ địa trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy, phụ huynh phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu nhiệt độ cơ thể tăng cao để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc SXH, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.

Thông thường, bệnh khởi phát với biểu hiện sốt cao đột ngột ở những trẻ trước đó hoàn toàn khỏe mạnh. Sốt kéo dài từ hai đến bảy ngày kèm theo các biểu hiện: đỏ mặt, da xung huyết, đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu. Trong một số trường hợp, trẻ xuất hiện đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Trẻ nhũ nhi có thể có kèm triệu chứng ho, sổ mũi hay tiêu chảy. Vào thời điểm này, những triệu chứng bệnh thường không rõ ràng, không thể phân biệt với các loại sốt do vi-rút khác. Vào ngày thứ hai của bệnh, trẻ thường có thêm các biểu hiện xuất huyết như: Xuất huyết ngoài da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa. Từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy của bệnh, sốt bắt đầu hạ xuống mức 37,50C - 380C hoặc thấp hơn. Một số bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: lừ đừ, mệt mỏi, nôn nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to. Những trường hợp diễn biến đến sốc sốt xuất huyết (với biểu hiện chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹt không đo được) phải nhập viện cấp cứu ngay.

Đồng thời, TS Lâm khuyến cáo, khi trẻ sốt khoảng 38,50C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 - 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 - 6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật. Tuyệt đối không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, cần cho trẻ uống nhiều nước (Oresol, nước lọc, nước cam, nước dừa...), cho trẻ ăn thức ăn mềm, cân đối về dinh dưỡng, thức ăn giàu vi-ta-min (rau, nước quả ép).

Theo thống kê của Sở Y tế, bảy tháng đầu năm, tại Hà Nội có 8.982 người mắc SXH, số người bệnh đã khỏi là 7.881 (chiếm 87,7%), 900 ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm người bệnh mới), chiếm 74%.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33673502-benh-nhi-sot-xuat-huyet-nhap-vien-tang-cao.html