Bệnh hô hấp tấn công trẻ khi giao mùa

Thời tiết chuyển từ thu sang đông, nhiệt độ thay đổi thất thường là cơ hội thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, nhiều trẻ em có nguy cơ cao bị các tác nhân này tấn công. Trẻ bị viêm đường hô hấp dễ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi, viêm amidam tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ nhỏ.

Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều vi rút, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Đối với trẻ, đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh dễ lây lan hơn. Đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. Chính vì vậy, trẻ rất dễ bị các bệnh đường hô hấp tấn công. Các bệnh lý về đường hô hấp gặp ở trẻ nhỏ thường có nhiều hệ thống từ trên xuống dưới như tai, mũi, họng, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản...

Vào thời điểm giao mùa, trẻ thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp

Điều trị tại nhà không triệt để

Hiện đang vào giai đoạn chuyển mùa nên nhiều cha mẹ hết sức lo lắng về sức khỏe của con em mình. Thấy con có hiện tượng húng hắng ho, chị Thu Hằng (Ba Đình) mua thuốc về cho cô con gái 6 tuổi uống tại nhà nhưng sau khi thấy con ngày một ho nặng hơn thì chị quyết định cho con đi khám. Khi đến bác sĩ, kết quả là con gái chị bị viêm tiểu phế quản. Chị Hằng vẫn không thể tin là mới chỉ ho như vậy mà đã chuyển sang viêm. Chị Hằng chia sẻ : “Con gái mình vốn thể trạng đã yếu nên cứ thời tiết thay đổi một lúc là y như rằng lại ốm. Lần nào ốm, nếu nhẹ thì 2 -3 ngày, nặng thì cũng phải 7 - 10 ngày mới khỏi".

Do thời tiết nóng lạnh thất thường, nhiệt độ trong ngày có sự chênh lệch cao, trẻ nhỏ chưa thích nghi kịp với sự thay đổi này nên rất dễ mắc bệnh. Như trường hợp của chị Vân (Thanh Trì) có cậu con trai 4 tuổi, khi thấy con ho, chị nghĩ bệnh đơn giản nên tìm đọc các loại thực phẩm trên mạng chữa ho và tự chế biến cho con ăn nhưng sau nhiều ngày không thấy con đỡ, anh chị liền đưa con đến bác sĩ. Sau khi khám, kết quả là con chị đã bị viêm phổi.

Có những cha mẹ thấy con ho và sốt nhẹ, khi đi khám thì bác sĩ cũng chỉ khám qua và kê đơn thuốc cho con. Những lần sau đó, họ cầm theo đơn thuốc cũ bác sĩ kê đi mua thuốc hoặc chia sẻ với bạn bè, thấy giống trường hợp của con mình liền cho con dùng luôn loại thuốc mà con của bạn bè đang sử dụng. Điều này là vô cùng sai lầm, bởi có thể giống triệu chứng nhưng cơ địa mỗi người lại có bệnh khác nhau. Hơn nữa, mỗi đơn thuốc bác sĩ kê chỉ có hiệu quả trong một thời gian nhất định vì thế cha mẹ dùng đơn thuốc cũ cho con trong những lần bệnh sau là hoàn toàn không hợp lý.

Ban đầu, trẻ hắt hơi, sổ mũi, sau đó ho tăng dần, có khò khè, thậm chí khó thở. Nặng hơn nữa, trẻ có thể sốt cao, tím tái, có dấu hiệu thở nhanh, toàn thân tím tái. Những trẻ đến viện khi thăm khám thường thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo cơ hô hấp. Tiếng thở nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém. Sau đó, trẻ ho nhiều hơn kèm khò khè và có thể bị khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực). Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn.

Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, viêm tai giữa. Bệnh có nhiều biến chứng và tử vong cũng cao hơn trong các trường hợp sau: trẻ dưới 3 tháng tuổi, sinh non - nhẹ cân, suy dinh dưỡng nặng, có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch.

Đề phòng bệnh hô hấp cho trẻ

Nói về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trong 100 đứa trẻ vào viện thì có đến khoảng 70 đứa trẻ có bệnh về đường hô hấp. Mỗi năm 1 đứa trẻ dưới 2 tuổi bị ít nhất 3-5 đợt hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, đặc biệt khi thay đổi thời tiết như thời điểm này. Do đó số bệnh nhân nhi khoa và tai mũi họng vào thời điểm này thường rất đông. Tâm lý chung của các ông bố bà mẹ thường lo lắng khi kiên trì cho con đi khám liên tục 9 tháng và uống đủ các loại thuốc nhưng vẫn cứ mắc bệnh liên tục.

ThS.BS. Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng KHTH, bác sĩ Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, khá nhiều trẻ nhập viện với các biểu hiện viêm mũi họng, sau đó có thể có viêm tai hay viêm phế quản, có thể kèm theo các bệnh lý ở phế quản như bệnh hen. Trong trường hợp bệnh tái diễn nhiều, khi thăm khám có VA quá phát thì chúng ta cũng có thể cân nhắc vấn đề nạo VA vì đấy có thể là ổ nhiễm trùng, khởi phát đầu tiên của các đợt bệnh tái đi tái lại, hơn nữa vị trí đấy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các bệnh lý viêm tai. Tức là cứ sau khi viêm mũi họng lại viêm tai, đôi khi bệnh viêm tai sẽ làm cho các bà mẹ lo lắng hơn rất nhiều.

Theo các bác sĩ, viêm tiểu phế quản có thể để lại nhiều hậu quả cho bệnh nhi, vì vậy, việc phòng bệnh cho trẻ có ý nghĩa rất quan trọng, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp phòng cho trẻ, rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ vì virus gây bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp; cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi trời lạnh hoặc giao mùa, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, không để trẻ quá lạnh nhưng cũng không nên để quá nóng gây vã mồ hôi, chỉ nên mặc quần áo đủ ấm. Cho trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, khi đi tiêm chủng.

Đặc biệt cảnh giác khi trẻ sốt cao. Trẻ sốt virus thường khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng ban đầu của nó cũng khá giống với sốt xuất huyết, viêm não… Do vậy, thấy trẻ sốt cao đột ngột và kéo dài phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy cũng cho biết thêm ngoài việc tuân thủ điều trị bệnh lý theo chỉ định của bác sĩ thì còn một vấn đề đáng quan tâm là môi trường sống của trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường chật hẹp, nhà trẻ hay mẫu giáo cũng là môi trường dễ bị lây nhiễm chéo cho trẻ. Bởi vậy, các bậc phụ huynh phải giải quyết tất cả các vấn đề đó kết hợp với việc đưa trẻ đến cơ sở điều trị chuyên khoa tai-mũi-họng trung ương để được tư vấn chính xác cả về dự phòng tiên phát, cả về chế độ ăn, thuốc... thì mới giải quyết được tình trạng bệnh.

Đức Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/benh-ho-hap-tan-cong-tre-khi-giao-mua-45496.html