Bé trai 9 tháng tuổi bị xơ gan nặng hồi sinh diệu kỳ sau ca ghép gan đặc biệt

Thông tin từ bệnh viện Nhi Trung ương ngày 18/3 cho biết, sau hai ca ghép gan đặc biệt diễn ra từ ngày 24 - 26/2, hai bệnh nhi 9 tháng tuổi và 20 tháng tuổi đều có bệnh gan giai đoạn cuối do các biến chứng nặng của bệnh teo đường mật bẩm sinh có nguy cơ tử vong đã hồi sinh kỳ hiệu.

Theo thông tin từ bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành công 2 ca ghép gan cho hai bệnh nhi nhỏ tuổi từ ngày 24 đến 26/2.

Bệnh nhi ghép ngày 24/2 là bé T.H.A. (nữ, 20 tháng tuổi, nặng 9,5 kg, ở Phú Thọ). Bệnh nhi ghép ngày 26/2 là bé T.G.B. (nam, 9 tháng, 7,5 kg, ở Quảng Ngãi). Đây là bệnh nhi được ghép gan nhỏ tuổi nhất ở nước ta.

Bệnh nhi hồi phục sau ca ghép gan.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa - trưởng khoa Gan mật, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cả hai bệnh nhân H.A và G.B đều mắc teo đường mật từ khi mới chào đời. Đây là bệnh khiến toàn bộ hệ thống đường mật trong và ngoài gan đều bị tổn thương, gan tiết ra mật nhưng không vào đường mật mà ứ đọng và phá hủy tế bào gan. Trẻ mắc bệnh này không được điều trị sẽ dẫn đến tình trạng xơ gan và suy gan.

Khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương, hai cháu A và B đều rơi vào tình trạng nguy kịch: tình trạng xơ gan nặng mất bù, kèm theo một số biến chứng như nhiễm trùng đường mật tái diễn, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản gây xuất huyết tiêu hóa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, suy chức năng gan. “Bệnh nhân được chỉ định ghép gan để bảo toàn tính mạng khi sự sống chỉ còn tính bằng ngày”, bác sĩ Hoa chia sẻ.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, trưởng khoa Ngoại tổng hợp, ca ghép gan đầu tiên diễn ra trên bệnh nhân H.A với người cho gan là mẹ đẻ của bệnh nhi. Khó khăn mà các bác sĩ phải đối mặt trong ca ghép này là giải phẫu gan của người mẹ (người cho gan) bất thường với 3 tĩnh mạch gan. Các bác sĩ đã phải tiến hành tạo hình 3 tĩnh mạch này thành một để nối với tĩnh mạch gan của người nhận.

Với ca ghép gan thứ hai cho cháu G.B, các bác sĩ phải đối diện với thách thức lớn hơn do do mức độ xơ gan nặng, tĩnh mạch cửa (một tĩnh mạch cấp máu quan trọng cho gan) bị xơ hẹp. Các bác sĩ đã phải thực hiện rất nhiều thủ thuật để tăng cường lượng máu cho tĩnh mạch cửa. Trong khi đó, bên phía người cho (bố đẻ của bệnh nhi) cũng có bất thường hệ thống động mạch cung cấp cho mảnh gan ghép: lấy mảnh gan ghép ra nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối không gây tổn thương đến phần gan còn lại. Ca phẫu thuật thứ 2 này diễn ra ngày 26/2.

Các bác sĩ trong quá trình phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi. (Ảnh: BVCC)

Sau ca phẫu thuật kéo dài gần 10 giờ đồng hồ, các bệnh nhi được chăm sóc tại khoa Hồi sức ngoại. Chia sẻ về quá trình chăm sóc cho hai bệnh nhi, Ts.Bs Đặng Ánh Dương cho biết, hai bệnh nhi được chăm sóc hậu phẫu với chế độ hồi sức đặc biệt trong phòng vô khuẩn. Các bác sĩ đã tiến hành cho hai bệnh nhi thở máy từ 24-48 tiếng, hỗ trợ oxy tối đa, duy trì huyết áp, truyền chế phẩm về máu để điều chỉnh tình trạng đông máu, dùng các thuốc ức chế thải ghép….

Đến nay, sức khỏe 2 bé đã ổn định, chơi ngoan, ăn uống bình thường, dự kiến sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.

Phong Linh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/be-trai-9-thang-tuoi-bi-xo-gan-nang-hoi-sinh-dieu-ky-sau-ca-ghep-gan-dac-biet-a469396.html