Bế mạc Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI - khu vực phía Bắc

Chiều 31/3, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức lễ bế mạc Trại viết Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật khóa VI dành cho các trại viên là hội viên các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc (từ Đà Nẵng trở ra).

Phát biểu tại lễ bế mạc, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật (VHNT) Liên hiệp, chủ nhiệm Trại viết cho biết: "Từ ngày 26/3 đến 31/3, Trại viết Lý luận phê bình VHNT Khóa VI - khu vực phía Bắc đã thu về được những kết quả quan trọng. Về mặt học thuật, Trại viết đã bồi dưỡng, nâng cao kiến văn xung quanh một số vấn đề về lý luận phê bình VHNT hiện nay. Đó là quán triệt đường lối văn hóa - nghệ thuật của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành quả lý luận thực tiễn có tính chất chỉ đạo, định hướng cho các hoạt động VHNT trước đây, cũng như trong bối cảnh hiện nay.

Trình bày một số điểm chủ yếu để nhận diện thực trạng hoạt động lý luận phê bình VHNT trong thời gian gần đây, các khuynh hướng, các phương pháp về lý luận phê bình, đội ngũ viết lý luận phê bình ở Trung ương và địa phương; việc quảng bá các tác phẩm lý luận phê bình trong lĩnh vực xuất bản, báo chí, VHNT.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện (thứ 2 bên phải qua) - Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Liên hiệp, chủ nhiệm Trại viết cùng PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (thứ 5 từ trái qua) - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học Trại viết Lý luận, Phê bình VHNT khóa VI - khu vực phía Bắc cho các học viên.

Làm rõ một số đặc thù về tư duy nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật của các loại hình nghệ thuật như sáng tác của các ngành văn học, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc và văn nghệ dân gian. Đồng thời, nhận diện những đặc sắc, những sự khác biệt của loại nghiên cứu tác phẩm lý luận phê bình so với loại tác phẩm sáng tác; nâng cao chất lượng hiệu quả của việc viết, đọc, quảng bá loại tác phẩm nói trên đối với người viết, người biên tập, người tiếp nhận chúng".

“Có thể nói Trại viết đã giúp học viên mở rộng kiến văn, tham khảo, suy nghĩ, trao đổi thêm, ngõ hầu tìm được tiếng nói chung liên kết 3 khâu của một tiến trình VHNT đó là sáng tác, lý luận phê bình và quảng bá, tiếp nhận công chúng”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Về thu hoạch của học viên, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, cần nhận rõ các cây bút dự trại viết phần lớn đều là những tác giả có quá trình tác nghiệp chuyên môn, đã nhận diện trong đời sống VHNT nước nhà bằng các loại tác phẩm sáng tác lẻ, bài viết trong đó có hơn 30 cây bút đã công bố mỗi người từ 1-9 tập sách.

Đến nay, Ban tổ chức đã nhận đủ 49 bài thu hoạch của các trại viên, các bài viết có độ dài - ngắn khác nhau (từ 2 trang đến 65 trang vi tính) đã cho thấy sự nghiêm túc, tự trọng và tinh thần trách nhiệm trong lao động miệt mài của những cây bút có nghề trong nền văn học nước nhà.

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tổng kết và bế mạc Trại viết.

Nhiều học viên tham gia Trại viết nhận bằng chứng nhận từ Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Hội viên chụp ảnh lưu niệm sau lễ bế mạc Trại viết.

Phát biểu tổng kết và bế mạc trại viết, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh: "Có một không khí rất dân chủ, rất cầu thị để thu nhận được những kiến thức, trao đổi được với đồng nghiệp và cùng nhau nhìn về phía trước trách nhiệm của những người trực tiếp hoặc gián tiếp làm công tác lý luận phê bình VHNT. Bước vào một môi trường phong phú, đa dạng và mênh mông, cả lĩnh vực văn học và nghệ thuật, như GS.TS Đinh Xuân Dũng nói là “như bơi ra biển”, nhưng định hướng cuối cùng của Lý luận phê bình VHNT vẫn là phải bám chắc và nhất quán vào những đường lối, chủ trương của Đảng về công tác văn hóa, VHNT và được thể hiện trong nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị và nếu quay ngược lại thì chúng ta thấy rõ ràng lý luận phê bình VHNT đã được Đảng, Nhà nước chăm lo, gửi gắm, vạch ra những con đường đi rất cơ bản và nhìn xa trông rộng ngay từ 80 năm trước từ Đề cương về văn hóa Việt Nam cho đến NQ TW 5 khóa 8, NQ 23 của Bộ chính trị về tiếp tục xây dựng, phát triển nền VHNT trong thời kỳ mới rồi NQ 33 tiếp tục thực hiện tinh thần xây dựng VHNT và con người mới đáp ứng nhu cầu mới của đất nước".

"Qua lớp học chúng ta thấy được sự quan tâm của Đảng, Đoàn Liên hiệp cũng như của Hội đồng Lý luận phê bình VHNT đối với công tác lý luận phê bình cũng được đặt ngang tầm với công tác sáng tác, nhiệm vụ của Liên hiệp ngoài việc đoàn kết, tập hợp đội ngụ tạo điều kiện để lực lượng văn nghệ sĩ hội viên sáng tác nghiên cứu và có được nhiều tác phẩm nhiều công trình trong các lĩnh vực thì công tác sáng tác là một cánh tay và lý luận cũng là một cánh tay nữa", PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết thêm.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/be-mac-trai-viet-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-khoa-vi--khu-vuc-phia-bac-post241695.html