Bé gái 13 tuổi tự tử do áp lực học tập và bạn bè

BS CKI Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhi 13 tuổi, ở Long An trong tình trạng ngộ độc thuốc trừ sâu do áp lực từ học tập, bạn bè, bé gái đã uống thuốc sâu tự tử.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhi là con đầu lòng trong gia đình có 2 chị em. Sau hôn nhân tan vỡ, em sống với bố và bà nội, em gái ở cùng mẹ. Đầu năm lớp 7 này, em là lớp phó học tập, có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp. Dần dần, em bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội facebook.

Em đã từng ngất xỉu 1 lần trong trường vì áp lực và do bị bắt nạt vào học kỳ 1 năm ngoái. Đỉnh điểm lần này, câu chuyện phán xét và tẩy chay lại tiếp diễn đã dẫn đến hành động đáng tiếc. Em uống thuốc diệt cỏ Bassa Fenobucarb Pertrang 50 EC (hoạt chất Carbamat) không rõ lượng, em cho biết khi còn tỉnh đã uống khoảng 200cc.

Sau khi uống, em nôn ói liên tục, gọi bà nội kể lại sự việc vì sợ chết.

Theo các bác sĩ khi nhập đến viện địa phương, em đã có biểu hiện lơ mơ, mê dần, tím tái, thở yếu, tăng tiết đàm nhớt, đồng tử 2 bên co nhỏ khoảng 1mm.

Sau đó bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ cấp cứu sau xác định bệnh nhi bị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy nhóm phospho hữu cơ. Và ngay lập tức bệnh nhân đã nhanh chóng cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc atropine tiêm tĩnh mạch, thấy có đáp ứng với điều trị.

Theo BS Vũ , xét nghiệm định lượng men acetyl cholinesterase trong máu giảm nặng còn gần 1.000 đv/L (bình thường từ 5.000 - 11.000 đv/L) giúp khẳng định bệnh nhi bị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ.

Bệnh nhi được tiếp tục điều trị atropine và theo dõi sát sự phục hồi men acetyl cholinesterase - men này bị giảm do bị bất hoạt bởi thuốc trừ sâu phospho hữu cơ đưa đến tình trạng ngộ độc.

"Đến nay, sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhi cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo, chức năng cơ quan cải thiện, định lượng men ACE hồi phục khả quan" BS Vũ nói.

Tình trạng của bệnh nhi cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo... Ảnh BVCC

Báo động trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Mặc dù xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.

Cũng theo tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.

Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.

Hiện nay các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Lo âu, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên (giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn). Đây là độ tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi này.

Theo chuyên gia, ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử.

Lịch học quá dày gồm học chính khóa, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian làm cho trẻ cảm thấy luôn căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử.

Hiện nay, trên thực tế ở Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.

Theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Ngoài ra, mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử. Những mối quan hệ bất hòa, mẫu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.

Khánh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/be-gai-13-tuoi-tu-tu-do-ap-luc-hoc-tap-va-ban-be-n189144.html