Bệ đỡ tinh thần cho tình hữu nghị gắn bó keo sơn Việt-Lào

Góp phần kiến tạo mối quan hệ bền chặt, gắn bó keo sơn Việt-Lào là truyền thống lịch sử - văn hóa với những giá trị độc đáo, trở thành nền tảng, bệ đỡ tinh thần giúp hai quốc gia ngày càng phát triển, thịnh vượng.

Lễ khai mạc Triển lãm ảnh “Tình hữu nghị Lào-Việt Nam đời đời bền vững” tại Hà Nội vào tháng 7/2022. (Nguồn: Người làm báo)

Truyền thống văn hóa lâu đời

Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, Việt Nam và Lào có nhiều nét tương đồng về tự nhiên, môi trường, cảnh quan văn hóa, “núi liền núi, sông liền sông”, cùng uống chung dòng nước sông Mekong, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Để thích ứng với điều kiện tự nhiên, người dân hai nước đã không ngừng sáng tạo, cải biến để sinh tồn, phát triển.

Ở vào vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, người dân luôn phải đối mặt với những khó khăn, bất trắc từ những hiệu tượng thời tiết cực đoan. Để ứng phó, sinh tồn, con người đã biết đoàn kết, nương tựa vào nhau, tạo nên sức mạnh cộng đồng, tập thể. Một trong những đức tính, phẩm chất tốt đẹp của cư dân nông nghiệp là sự cần cù, chịu khó, nhẫn nại; là tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

Trong chiều dài lịch sử, Việt Nam và Lào từng bị thực dân, đế quốc đô hộ, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn; tình thế cách mạng, kháng chiến có thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”. Để bảo vệ nền độc lập, tự do, người dân hai nước đã kề vai sát cánh, tạo sức mạnh đoàn kết, đánh thắng kẻ thù xâm lược. Qua những năm tháng đấu tranh anh dũng, kiên cường đã hun đúc lên truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất của quân và dân hai nước.

Với vị trí địa chính trị quan trọng cùng những nét tương đồng về điều kiện địa lý tự nhiên, truyền thống lịch sử, từ rất sớm, người đứng đầu hai Đảng, Nhà nước Việt Nam - Lào đã thiết lập tình hữu nghị, đoàn kết, thể hiện ý chí, quyết tâm xây dựng quốc gia, khu vực ngày càng ổn định, phát triển, thịnh vượng.

Tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập) và một cuốn từ điển Hồ Chí Minh học được dịch sang tiếng Lào. (Nguồn: TTXVN)

Lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp

Kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời với những giá trị tốt đẹp, mối quan hệ, hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên mọi lĩnh vực luôn được chú trọng, tăng cường, trong đó có lĩnh vực văn hóa.

60 năm qua, kể từ ngày Việt Nam thiết lập quan hệ, hợp tác với Lào, nhiều bản ghi nhớ về trao đổi, hợp tác trên lĩnh vực văn hóa được ký kết; nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa được tổ chức, diễn ra trên cả hai quốc gia nhân những ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm các sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại của dân tộc.

Những năm qua Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa cho các học sinh, sinh viên và cán bộ của nước bạn Lào sang học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Đồng thời, hai nước cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa từ nguồn vốn không hoàn lại, như các dự án, công trình: Bảo tàng Chủ tịch Kaysone Phomvihane; Trung tâm lưu trữ phim và hình ảnh động quốc gia; Khu không gian Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa quốc gia Lào; Trường Nghệ thuật Âm nhạc Quốc gia Lào,…

Vào những ngày lễ lớn, đặc biệt vào năm tròn, năm chẵn kỷ niệm quan hệ hai nước, nhiều chương trình, chuỗi sự kiện văn hóa, văn nghệ với các hoạt động chào mừng diễn ra sôi nổi ở hai quốc gia, trên phạm vi nhiều tỉnh thành, thu hút sự quan tâm của người dân hai nước.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị 2022, nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa đã diễn ra như triển lãm ảnh “Tình hữu nghị Lào - Việt Nam đời đời bền vững”, Trại điêu khắc và vẽ tranh cổ động tại Lào, chương trình nghệ thuật “Hồn sen Việt - Hương sắc Chăm Pa”,… để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho công chúng.

Trong lĩnh vực xuất bản, hai nước đã hợp tác trong việc dịch các tác phẩm mang đậm nét văn hóa Việt Nam sang tiếng Lào như sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nói về tình đoàn kết đặc biệt của hai dân tộc, đặc biệt là Dự án “Biên dịch Hồ Chí Minh toàn tập từ tiếng Việt sang tiếng Lào”.

Chương trình nghệ thuật “Hồn sen Việt- Hương sắc Chăm Pa” tại thủ đô Vientiane ngày 18/7. (Nguồn: Tổ quốc)

Trong lĩnh vực du lịch, hai nước có nhiều di sản văn hóa nổi tiếng được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, thu hút sự quan tâm, trải nghiệm, khám phá của người dân hai nước. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ ba về lượng khách du lịch đến Lào với khoảng 1 triệu lượt người.

Nhằm quảng bá, kích cầu du lịch 2 quốc gia phát triển, thu hút nhiều du khách trong khu vực đến tham quan, trải nghiệm, Việt Nam và Lào đã và đang tích cực đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và các khuôn khổ hợp tác khác.

Lào hiện đang chuẩn bị các tài liệu để trình lên UNESCO, đề nghị đưa vườn quốc gia Hin Namno vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới, kết hợp với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, một di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam, tạo thành tour, hành trình tham quan thú vị, hấp dẫn.

Các chương trình, sự kiện về văn hóa, nghệ thuật đó đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa hai quốc gia, đồng thời lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp đến với cộng đồng, du khách trong và ngoài nước.

Để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, hai nước cần tiếp tục gìn giữ và phát huy tốt mối quan hệ gắn bó, thủy chung, bền chặt giữa hai quốc gia; khai thác mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người để Việt Nam và Lào sớm trở thành các quốc gia phát triển như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XI, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra.

* Tác giả là Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

PGS.TS. Vũ Thị Phương Hậu*

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/be-do-tinh-than-cho-tinh-huu-nghi-gan-bo-keo-son-viet-lao-195638.html