Bầu Đức đi lên từ đáy, đại gia FLC đánh rơi 2000tỷ

Trong khi bầu Đức đi lên từ đáy, ông Trịnh Văn Quyết - tỷ phú vừa trở thành người giàu nhất Việt Nam đã đánh rơi hơn 2.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu HAGL nóng trở lại

Trong suốt 1 năm qua, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã trượt dài trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Từ vị trí thứ 2, hiện tại, bầu Đức rớt xuống vị trí thứ 14 với khối tài sản chỉ còn gần 2.000 tỷ đồng.

Bầu Đức tuột dốc khi cổ phiếu HAG lao dốc không phanh. HAG lập “đáy” ở mức 5.100 đồng/CP trong ngày 5/8. Sau đó, tới tháng 10, một lần nữa cổ phiếu HAG lại “chạm” đáy. HAG rời xa mệnh giá khi Hoàng Anh Gia Lai kinh doanh bết bát với nhiều quý liên tiếp lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 16/11, cái tên Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức “nóng” trở lại. Cả cổ phiếu HAG và HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – công ty con của Hoàng Anh Gia Lai đồng loạt tăng trần.

Bầu Đức bắt đầu thấy điểm sáng trên sàn chứng khoán nhờ cao su

Tới cuối giờ trưa, HAG tăng 370 đồng/CP lên 5.730 tỷ đồng. HAG giúp vốn hóa thị trường Hoàng Anh Lai tăng 292 tỷ đồng. Là cổ đông lớn nhất, chỉ trong sáng nay, tài sản của bầu Đức tăng 129 tỷ đồng lên 1.993 tỷ đồng.

Không nắm giữ cổ phiếu HNG nhưng chắc hẳn bầu Đức cũng rất vui khi HNG tăng trần. HNG tăng 440 đồng/CP lên 6.760 đồng/CP. Nhờ HNG, vốn hóa thị trường Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai có thêm 338 tỷ đồng.

Đà bứt phá của HAG và HNG đã được dự báo trước khi giá cao su tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Hôm qua, giá cao su hợp động tương lai cao su giao trên sàn Tocom đã leo lên 205 yên/kg, mức cao nhất trong vòng 1 năm qua và so với đáy được thiết lập hồi đầu năm thì giá cao su lúc đó đã tăng gần 40%.

Đại gia Trịnh Văn Quyết bị bốc hơi hơn 2200 tỷ

Trong khi bầu Đức đi lên từ "đáy", ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC lại đi xuống từ “đỉnh”. Trong khi HAG và HNG đua nhau tăng trần, cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần xây dựng Faros giảm sâu. Có thời điểm, giá thấp nhất mà ROS rơi xuống là 112.000 đồng/CP sau khi giảm 8.000 đồng/CP.

Đà giảm sâu của ROS khiến giá trị cổ phiếu ROS do ông Quyết sở hữu “bốc hơi” 2.236 tỷ đồng xuống còn 31.311 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết

Trong khi đó, dù tăng đáng kể, cổ phiếu FLC cũng không bù đắp cho giá trị cổ phiếu ROS hao hụt. FLC tăng 8 đồng/CP lên 7.180 đồng/CP. FLC giúp giá trị cổ phiếu FLC của ông Quyết có thêm 870 triệu đồng.

Bên cạnh đó, vị trí của vợ ông Quyết – bà Lê Thị Ngọc Diệp vẫn được cải thiện dần trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Tài sản trên thị trường chứng khoán của bà Diệp “bốc hơi” 162 tỷ đồng xuống 2.262 tỷ đồng nhưng bà Diệp vẫn leo lên vị trí thứ 8 trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông chủ Wonderfarm trở lại sàn chứng khoán

Một thông tin đáng chú ý khác có liên quan đến sàn chứng khoán, theo thông báo từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), hơn 87 triệu cổ phiếu IFS của Công ty Thực phẩm Quốc tế (Interfood) sẽ chính thức được giao dịch trở lại trên UPCoM từ ngày 16/11, sau 3 năm vắng bóng.

Trước đó, cổ phiếu của công ty đã bị hủy niêm yết từ đầu tháng 4/2013 do lỗ lũy kế tại thời điểm kết thúc năm 2012 vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Interfood là đơn vị sở hữu thương hiệu đồ uống Wonderfarm và Kirin tại Việt Nam

Interfood là công ty đang sở hữu hai thương hiệu đồ uống Wonderfarm và Kirin. Trong đó, Wonderfarm là thương hiệu đồ uống gắn liền với các sản phẩm như Trà Bí Đao, Nước Yến Ngân Nhĩ hay Nước Me. Trong khi, Kirin là thương hiệu đi cùng các sản phẩm như Ice+, Latte hay Tea Break.

Trong 9 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu gần 895 tỷ đồng và hơn 33 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong đó riêng quý III đóng góp hơn 25,3 tỷ đồng lợi nhuận.

Tuy nhiên, kết quả có lãi trong 9 tháng đầu năm 2016 cũng là kết quả kinh doanh khả quan nhất trong 8 năm gần đây của đơn vị sở hữu 2 thương hiệu đồ uống hàng đầu hiện nay.

CEO Viettel: Khi phải "bán chiếc áo cuối cùng" lúc đó mới xả thân khởi nghiệp

Trong khi đó, trong buổi giao lưu mới đây với các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ thẳng thắn về những kinh nghiệm khởi nghiệp.

Ông Hùng cho rằng có thể xếp Viettel là những doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam với tài sản ban đầu rất nhỏ bé. Đúc rút từ kinh nghiệm của Viettel ông Hùng nhấn mạnh: "Theo tôi điều kiện quan trọng của khởi nghiệp đó là trong tay chẳng có gì cả”.

Khởi nghiệp là khi bán đi chiếc áo cuối cùng

Tuy có vẻ nghiệt ngã nhưng ông Hùng đã rút ra kinh nghiệm cho những ai muốn khởi nghiệp: "Tôi nghĩ rằng khởi nghiệp đầu tiên là chúng ta phải bán chiếc xe máy của mình đi, bán chiếc áo vest của mình đi,… thì mới thành công vì chỉ khi ấy chúng ta mới xả thân".

Một thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã và đang phải "bán chiếc áo vest" để khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp của mình dã rao bán nhà, vay tiền của người thân khi đã dốc kiệt túi của mình để theo đuổi giấc mộng khởi nghiệp.

Ngân Giang (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/dai-gia/bau-duc-di-len-tu-day-dai-gia-flc-danh-roi-2000ty-3323361/