Bầu cử Tổng thống Pháp: Hồi hộp chờ kết quả

Hôm nay, 23-4, gần 46 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trong tâm trạng hồi hộp và lo lắng nước Pháp có thể thay đổi rất nhiều. Lý do là vì đây là cuộc bầu cử khó đoán định nhất trong mấy thập kỷ qua, có tới 4 ứng cử viên với quan điểm khác hẳn nhau được dự đoán đều có khả năng lọt vào vòng 2 diễn ra vào ngày 7-5.

Gần 67 nghìn điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp bắt đầu mở cửa từ 8 giờ sáng và đóng cửa vào 19 giờ cùng ngày. Riêng các thành phố lớn sẽ mở tới 20 giờ. Theo kết quả thăm dò sát ngày bỏ phiếu, ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron, phong trào Tiến lên, dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ khoảng 24% trong tổng số 11 ứng cử viên. Tiếp đến là bà Marine Le Pen, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN). Bám sát hai người dẫn đầu là ông François Fillon, đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) và Jean-Luc Melenchon, phong trào cực tả "Nước Pháp bất khuất," ở mức 19-20%. Đứng thứ 5 là ứng cử viên của đảng Xã hội, Benoit Hamon.

Theo báo chí Pháp, tính tới 12 giờ trưa, tỷ lệ đi bầu ở mức khoảng 28,54%, cao hơn so với lần bầu cử năm 2012 (28,29%). Với những diễn biến khó lường đã xảy ra trong quá trình bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên cũng như lúc vận động tranh cử, không khí bầu cử ở nhiều nơi dường như trầm lặng hơn, không ai biết kết quả sẽ như thế nào.

Nước Pháp đang đứng trước thời khắc lịch sử để cử tri lựa chọn một trong hai xu hướng phát triển cho 5 năm tới. Một bên là theo chủ trương ôn hòa, mở cửa và ủng hộ EU và một bên là quan điểm bảo thủ, theo chủ nghĩa dân túy, muốn bảo vệ các lợi ích quốc gia của Pháp thông qua việc tách khỏi EU, đóng cửa biên giới.

Sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ của đảng Xã hội cầm quyền cùng với sự thiếu vắng một gương mặt có đủ kinh nghiệm, được lòng đa số cử tri có thể dẫn tới một cơn địa chấn chính trị không chỉ đối với nước Pháp mà cả châu Âu. Người dân Pháp đang hồi hộp chờ kết quả để biết liệu hai ứng cử viên dẫn đầu có lọt vào vòng 2 như kịch bản vẫn được nêu ra trong suốt mấy tuần qua hay không. Nếu đúng thì đó sẽ là sự chấm dứt cầm quyền luân phiên trong suốt mấy thập kỷ qua của hai chính đảng cánh hữu và cánh tả, PS và LR.

Do uy tín của ông François Fillon giảm mạnh từ các vụ bê bối về "việc làm giả," hai ứng cử viên Marine Le Pen và Emmanuel Macron được quan tâm nhiều nhất. Sau những bất ngờ từ cuộc bỏ phiếu ở Mỹ và sự kiện Brexit, không ai dám chắc cú sốc lịch sử vẫn có thể xảy ra khi bà Marine Le Pen, 48 tuổi, vượt qua các ứng cử viên khác. Còn với ứng cử viên Emmanuel Macron, 39 tuổi, cũng có cơ hội để trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp và chấm dứt sự cầm quyền của các chính đảng truyền thống.

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong tình trạng an ninh được tăng cường tối đa. Nước Pháp vẫn được đặt trong tình trạng khẩn cấp và tấn công khủng bố vẫn có nguy cơ xảy ra như vụ nổ súng vào sát tối 20-4, ở giữa trung tâm Paris. Khoảng 50 nghìn cảnh sát và 7 nghìn binh lính đã được huy động để bảo vệ các điểm bầu cử trên khắp cả nước.

Trước đó ngày 22-4, hơn một triệu cử tri tại các vùng lãnh thổ hải ngoại bao gồm Polynesia, Guadeloupe, Guiana, Saint-Pierre, Miquelo và Martinique cùng với người Pháp sống ở nước ngoài như Canada, Mỹ và Nam Phi đã đi bỏ phiếu sớm.

Theo dự báo, sẽ không có ai có đủ 50% số phiếu để có một chiến thắng tuyệt đối ngay từ ngày 23-4. Hai người dẫn đầu vòng 1 sẽ bước vào vòng 2 diễn ra vào ngày 7-5.

Cử tri đi bỏ phiếu ở TP Strasbourg. (Ảnh: Le Monde)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan/binh-luan-quoc-te/item/32686402-bau-cu-tong-thong-phap-hoi-hop-cho-ket-qua.html