Bắt thêm một phiên dịch trong đường dây tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép tại Đà Nẵng

Tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Thanh Lộc.

Tài liệu điều tra ban đầu cho thấy, Lộc là phiên dịch viên tại Công ty TNHH Quản lý đầu tư Việt Nam BOVIET do Lê Thị Kim Anh (42 tuổi, quê Lâm Đồng) đứng danh nghĩa Giám đốc. Thực ra đứng sau Công ty này là một người Trung Quốc. Do từng có thời gian lao động tại Đài Loan nên Kim Anh đã quen biết với nhiều người Trung Quốc, trong đó có Jiang Fei. Khi về Việt Nam, Kim Anh được yêu cầu đại diện pháp lý để đứng ra thành lập Công ty TNHH Quản lý đầu tư Việt Nam BOVIET và giữ chức Giám đốc với mức lương 12 triệu đồng/tháng, làm việc tại Đà Nẵng.

Từ tháng 9-2019, công ty này đi vào hoạt động nhưng không có trụ sở chính thức. Đến tháng 3-2021, Jiang Fei nhờ Kim Anh sử dụng tư cách pháp nhân của công ty để bảo lãnh cho 1 người bạn tên Wang Xu vào Việt Nam, đến Đà Nẵng dưới mác “chuyên gia”. Kim Anh đã giúp hoàn tất hồ sơ, chuyển cho cty dịch vụ để Wang Xu nhập cảnh Việt Nam với giá hơn 60 triệu đồng. Thực chất của việc làm này là để cho Wang Xu được nhập cảnh Việt Nam hợp pháp và sau đó sẽ về làm việc cho Jiang Fei. Còn đối với Lộc, khi làm việc tại Cty TNHH Quản lý đầu tư Việt Nam BOVIET, đối tượng được giao nhiệm vụ hỗ trợ Kim Anh trong việc quản lý và xử lý các loại hồ sơ, giấy tờ để chuyển các cty dịch vụ hợp thức hóa cho các đối tượng nhập cảnh theo diện “chuyên gia”.

Ngày 7-6 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Kim Anh và Jiang Fei. Như vậy đến thời điểm hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố 2 vụ án, 12 bị can liên quan đến các đường dây tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Liên quan đến vụ án này, ngày 10-6 vừa qua Cơ quan Điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Kim Anh và Jiang Fei.

Một vụ hầu hết là người Việt đứng ra lập các công ty rồi móc nối với một số người Hàn Quốc đăng các thông tin quảng cáo qua các mạng xã hội tìm kiếm những người có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam làm ăn. Thông qua các mạng xã hội này, nhiều công dân Hàn Quốc đã bỏ tiền đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam dưới dạng chuyên gia, vào làm việc tại các doanh nghiệp do các đối tượng trên lập ra. Thực chất, những người này không có trình độ chuyên môn, đang thất nghiệp hoặc đang buôn bán nhỏ tại Hàn Quốc. Vụ còn lại có người Trung Quốc đứng sau, các bị can đã bị khởi tố được thuê làm giám đốc điều hành cty này và móc nối để hợp thức hóa hồ sơ nhập cảnh trái phép. Hiện cũng đã có 1 bị can là người Trung Quốc bị khởi tố.

Cơ quan điều tra Công an TP Đà Nẵng cho biết đang tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án và yêu cầu các công ty có liên quan trong việc bảo lãnh cho công dân nước ngoài nhập cảnh trái phép, những người có hành vi tiếp tay, môi giới liên hệ cung cấp thông tin để phục vụ điều tra vụ án.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/61_245086_bat-them-mot-phien-dich-trong-duong-day-to-chuc-ch.aspx