Bất ổn vùng trồng hồ tiêu trọng điểm

Cây hồ tiêu đang phát triển quá nóng! Đó là thông tin từ Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bình Phước tổ chức ngày 31-10 tại thị xã Đồng Xoài (Bình Phước), với chủ đề “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên”.

Vỡ quy hoạch về diện tích

Theo Cục Trồng trọt, trong 10 năm trở lại đây, diện tích hồ tiêu của nước ta tăng rất nhanh, từ hơn 49.100 ha (năm 2005) đã tăng lên đến hơn 101.600 ha (năm 2015), và lên tới hơn 110.200 ha trong năm 2016, vượt hơn 60.200 ha so với quy hoạch đến năm 2020 của Bộ NN và PTNT, trong đó vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chiếm gần 95% tổng diện tích. Tuy nhiên, do nhiều lý do, diện tích trồng hồ tiêu trên thực tế còn cao hơn nhiều so với số liệu thống kê nói trên. Trong đó, các tỉnh có diện tích và sản lượng hồ tiêu lớn là Bình Phước, Đác Lắc, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Ở Bình Phước, theo đánh giá của Sở NN và PTNT, diện tích hồ tiêu bắt đầu tăng mạnh từ năm 2013 trở lại đây, trùng với quãng thời gian giá mủ cao-su, hạt điều đi xuống hoặc chững lại. Tính đến hết tháng 9-1016, diện tích hồ tiêu của Bình Phước đạt hơn 14.400 ha, vượt hơn 4.400 ha so với quy hoạch đến năm 2020. Ngoài lý do giảm diện tích cao-su, điều… để chuyển hướng sang hồ tiêu, nông dân Bình Phước ồ ạt xuống giống hồ tiêu nhờ giá hạt tiêu liên tục ổn định ở mức cao, mang lại lợi nhuận rất lớn và cây trồng này cũng được các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm, xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, đồng thời triển khai nhiều chương trình và dự án để hỗ trợ cây hồ tiêu phát triển.

Tương tự, ở các tỉnh khác như Đác Lắc, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu…, diện tích hồ tiêu cũng tăng “nóng” không kém. Tại Đác Lắc, theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đác Lắc, diện tích hồ tiêu của tỉnh đã đạt 16.000 ha vào giữa năm 2015 và đến tháng 10-2016 đã đạt 25.000 ha, dù diện tích hồ tiêu theo quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh chỉ là 15.000 ha! Không những vậy, diện tích hồ tiêu của Đác Lắc vẫn đang tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài nguyên nhân giá hồ tiêu liên tục tăng cao, diện tích hồ tiêu ở Đác Lắc tăng nhanh là do người nông dân phá bỏ những diện tích cây trồng ngắn ngày, cao-su tiểu điền, cà-phê già cỗi để chuyển sang trồng hồ tiêu. Hiện, cây hồ tiêu đã có mặt ở tất cả 15 địa bàn hành chính (thành phố, huyện, thị xã) của Đác Lắc.

Còn ở tỉnh Đồng Nai, diện tích hồ tiêu hiện đã lên tới gần 14.000 ha, vượt gần 3.000 ha so với quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh.

Diện tích hồ tiêu của Bà Rịa – Vũng Tàu thì hiện đã lên đến gần 11.700 ha, vượt gần 3.400 ha so với quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh.

Sản xuất thiếu bền vững

Tưới nước cho hồ tiêu ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước).

Việc mở rộng diện tích hồ tiêu với tốc độ chóng mặt hiện nay ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Theo Cục Trồng trọt, việc phát triển nóng nói trên sẽ khó hình thành vùng trồng hồ tiêu tập trung lớn như cây cà-phê, cao-su; do vậy, nhà nước và nông dân sẽ khó đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện. Bên cạnh đó, giống tiêu chưa được nghiên cứu, chọn lọc có hệ thống, độ đồng đều không cao, dễ nhiễm sâu bệnh; kỹ thuật canh tác còn nhiều tồn tại về thiết kế vườn, bón phân, chăm sóc, tiêu-thoát nước…. Đáng lo hơn, nhiều hộ trồng tiêu vẫn chưa có giải pháp đồng bộ phòng trừ dịch hại, đặc biệt là bệnh hại từ rễ, tuyến trùng và một số loài nấm. Trong khi đó, hồ tiêu là loại cây kén chọn đất và khá nhạy cảm với khí hậu, thời tiết. Do vậy, nếu canh tác không đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc không tốt thì cây rất dễ bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Đi vào cụ thể hơn, theo thừa nhận của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đác Lắc, tình hình sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu ngày càng phát triển mạnh, khó kiểm soát. Trong đó, hiện tượng rối loạn dinh dưỡng, bệnh chết nhanh, vàng lá chết chậm xảy ra thường xuyên trên cây hồ tiêu. Hậu quả là chất lượng sản phẩm tiêu hạt không cao.

Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Mai Oanh cảnh báo: Ngành hồ tiêu Việt Nam đang trên đà phát triển thiếu bền vững. Dù có nhiều lợi thế nhưng hàng loạt hàng rào kỹ thuật đang được các thị trường nhập khẩu “dựng lên” ngày một cao hơn đã đe dọa sự phát triển của cây hồ tiêu nước ta, bởi vấn đề mấu chốt để có hạt tiêu đạt chất lượng tốt là khâu nguyên liệu sản xuất trên đồng ruộng. Vì vậy, nếu trong thời gian tới tình hình không được cải thiện thì sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đi xuống; đặc biệt, khi Cục Quản lý Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chuẩn bị ban hành một số quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu vào Hoa Kỳ (trong đó có hồ tiêu). Lúc đó, với diện tích hồ tiêu khổng lồ và lại thiếu kiểm soát chất lượng hạt tiêu như hiện nay, nguồn cung hồ tiêu sẽ dư thừa, gây rủi ro lớn cho hàng nghìn hộ nông dân trồng hồ tiêu trên cả nước.

Hướng đến sản xuất hồ tiêu sạch

Để cây hồ tiêu có thể phát triển bền vững, Bộ NN và PTNT đã yêu cầu các tỉnh trồng hồ tiêu rà soát lại toàn bộ diện tích canh tác (diện tích trong và ngoài quy hoạch). Bên cạnh đó, vận động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, không để người dân tự ý phát triển cây hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch; đặc biệt là những vùng không phù hợp, thiếu nguồn nước tưới, những vùng đã quy hoạch phát triển cây trồng khác. Cùng với đó, Bộ cũng đã giao Cục Trồng trọt và Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp triển khai việc rà soát lại quy hoạch ngành hồ tiêu ngay trong năm nay. Đồng thời, Cục Trồng trọt khuyến nghị ngành hồ tiêu nên tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, hình thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng được các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sản xuất theo hướng GAP; bảo đảm sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc…

Còn bà Nguyễn Mai Oanh thì cho rằng: Ngành nông nghiệp và các địa phương cần gấp rút thay đổi cách quản lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, quy trình canh tác… Doanh nghiệp sản xuất và thương mại hồ tiêu cần làm tốt hơn việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi giao dịch mua-bán; xây dựng vùng nguyên liệu bằng việc liên kết với nông dân; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, làm tốt việc xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc hồ tiêu… Đặc biệt, nông dân là người có vai trò quyết định trong việc tạo ra sản phẩm hạt tiêu có chất lượng đạt yêu cầu tiêu thụ. Do vậy, chỉ khi người trồng tiêu nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết canh tác theo quy trình GAP, mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để cùng sản xuất hồ tiêu sạch thì ngành hồ tiêu mới có thể phát triển bền vững.

Tín hiệu đáng mừng là các địa phương cũng đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển, sản xuất hồ tiêu sạch. Tại Bình Phước, ngành nông nghiệp của tỉnh đã xây dựng thành công thương hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh” để quảng bá thương hiệu sản phẩm hồ tiêu của tỉnh. Bên cạnh đó, việc phát triển hồ tiêu theo chuỗi giá trị cũng được tỉnh rất chú trọng, nổi bật là Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”, do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư của tỉnh phối hợp Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thực hiện. Mục tiêu của dự án này là sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA), tiêu chuẩn để hồ tiêu được xuất khẩu vào châu Âu và các thị trường khác. Nhờ dự án nói trên, đến nay, Bình Phước có 24 câu lạc bộ hồ tiêu bền vững với 523 hộ nông dân tham gia với tổng diện tích 635,35 ha. Thông qua dự án này, các hộ nông dân đã biết trồng tiêu sạch, làm ra hạt tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm và được thu mua sản phẩm theo giá trên thị trường quốc tế.

Còn ở Đồng Nai, đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai và nhân rộng được 4.369 ha tiêu có lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (chiếm hơn 31% tổng diện tích trồng tiêu của cả tỉnh); tập huấn bình quân mỗi năm 42 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho người trồng tiêu… Đến hết tháng 9-2016, Đồng Nai đã nhân rộng được 140 ha tiêu thâm canh ở các huyện Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú. Hiện, Đồng Nai đang tiến hành xây dựng chín dự án cánh đồng lớn liên kết hồ tiêu, gắn sản xuất với tiêu thụ. Còn trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ triển khai chương trình tái canh, trồng thay thế diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa, nhiễm sâu bệnh bằng giống mới có năng suất và chất lượng cao, sạch bệnh. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến hồ tiêu với dây chuyền công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng hạt tiêu…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/31129502-bat-on-vung-trong-ho-tieu-trong-diem.html