Bất ổn địa chính trị thúc đẩy doanh số vũ khí toàn cầu

Một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), các cuộc xung đột vũ trang đã thúc đẩy doanh số bán vũ khí ở châu Âu, Trung Đông và châu Á trong 5 năm qua.

Theo báo cáo của SIPRI được công bố ngày 11/3, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã góp phần khiến lượng mua vũ khí ở châu Âu tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2019-2023 so với từ năm 2014-2018, đưa Ukraine trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất khu vực và lớn thứ tư trên thế giới. Đồng thời, xuất khẩu vũ khí sang châu Á chiếm khối lượng lớn nhất trên toàn cầu (37%) với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang dẫn đầu cuộc mua sắm.

Ấn Độ ký hợp đồng mua 36 máy bay Rafael của Pháp.

Nhà nghiên cứu cấp cao tại chương trình chuyển giao vũ khí của SIPRI Pieter Wezeman cho biết những điều này “phần lớn được thúc đẩy bởi một yếu tố chính: lo ngại về tham vọng của Trung Quốc”. Ví dụ, Nhật Bản đã tăng nhập khẩu gấp 2,5 lần khi đặt hàng 400 tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Các đồng minh của Mỹ là Qatar, Ai Cập và Saudi Arabia cũng dẫn đầu hoạt động mua sắm ở Trung Đông, chiếm tới 30% lượng nhập khẩu toàn cầu. Wezeman nói với hãng truyền thông “Al Jazeera”: “Đó không chỉ là nỗi sợ hãi đối với Iran. Đó thực sự là chiến tranh. Trong 10 năm qua, Saudi Arabia thực sự đã sử dụng những vũ khí đó trong các hoạt động do chính họ dẫn dắt, bao gồm cả ở Yemen. Ở Saudi Arabia, điều đó được coi là một cuộc đối đầu trực tiếp với Iran thông qua lực lượng ủy nhiệm”.

Chẳng hạn, Qatar đã tăng gấp 4 lần lượng nhập khẩu vũ khí sau khi Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) áp đặt lệnh phong tỏa đối với quốc gia vùng Vịnh này vào năm 2017. Quốc gia này đã đặt mua máy bay chiến đấu từ Mỹ, Pháp và Vương quốc Anh. Giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ của Hy Lạp là Konstantinos Filis nói với Al Jazeera: “Chúng ta đang sống trong một thế giới chuyển tiếp. Nó lỏng lẻo và không ổn định. Liên hợp quốc chỉ đóng vai trò trang trí. Có cả một tầng lớp quyền lực theo chủ nghĩa xét lại. Các quốc gia thân phương Tây đang cảm thấy bất an về việc liệu sức mạnh của Mỹ có thể ngăn chặn một cuộc tấn công vào họ hay không”.

Mỹ vẫn là nhà xuất khẩu hàng đầu

Các đồng minh phương Tây cũng là những nhà xuất khẩu lớn nhất. Sự gia tăng chi tiêu của các đồng minh đã giúp Mỹ củng cố vị trí dẫn đầu với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu, đạt 42% thị trường toàn cầu, tăng từ mức 34% trong giai đoạn từ năm 2013-2018. Điều đó một phần là do Mỹ là quốc gia duy nhất có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 có thể xuất khẩu là F-35 Lightning II và nhiều đồng minh của Mỹ hiện đang chuyển đổi lực lượng không quân của mình để áp dụng công nghệ tàng hình của máy bay. Châu Âu có gần 800 máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo được đặt hàng, bao gồm F-35, Eurofighter Typhoon của Anh và Rafale từ Pháp.

Nhưng xu hướng tăng doanh số bán hàng ở các đồng minh chủ chốt của phương Tây (bao gồm 8/10 nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu) cho thấy yếu tố chính trị là lý do lớn hơn. Các nhà sản xuất vũ khí phương Tây khác cũng được hưởng lợi. Pháp tăng xuất khẩu gần một nửa (hiện chiếm 10,92% thị phần toàn cầu) để đẩy Nga xuống vị trí thứ hai, còn Italy cũng tăng gần gấp đôi. Số lượng máy bay chiến đấu đã làm tăng lượng đặt hàng của Pháp, trong đó Dassault đã bán từ 23 máy bay Rafale thế hệ 4,5 trong giai đoạn 2013-2018 lên 94 chiếc trong 5 năm qua. Tập đoàn này hiện có 193 đơn đặt hàng. Trên thực tế, châu Âu, bao gồm cả Anh và Thụy Sĩ, đã xuất khẩu 31% vũ khí của thế giới trong năm 2019-2023.

Tại châu Á, Hàn Quốc cũng nổi lên như một nước xuất khẩu lớn, ký kết các hợp đồng lớn với Ba Lan về xe tăng, pháo binh, máy bay và pháo phản lực. Trung Quốc chiếm được 5,8% thị phần toàn cầu, trong đó 60% đơn hàng được xuất sang Pakistan, phần lớn còn lại sang Bangladesh và Thái Lan.

Từng là đối thủ lớn của Mỹ trong lĩnh vực bán vũ khí nhưng giờ đây Nga đã giảm một nửa lượng xuất khẩu của mình, chỉ còn chiếm 10,54 % thị phần toàn cầu. Xuất khẩu của Nga giảm một phần là do phải tập trung nguồn lực cho chiến dịch Ukraine. Mặt khác, các khách hàng truyền thống của Nga như Trung Quốc và Ấn Độ thì hiện nay hoặc chuyển sang tăng cường chế tạo vũ khí của riêng mình hoặc bắt đầu nghi ngờ về công nghệ và khả năng cung cấp vũ khí của Nga.

Châu Âu hồi sinh nền công nghiệp quốc phòng

Các chuyên gia cho biết đây là một dấu hiệu đầy hy vọng rằng châu Âu đã bắt đầu hồi sinh nền công nghiệp quốc phòng, từ đó có cơ hội lớn hơn để cung cấp cho Ukraine - đặc biệt là trong bối cảnh viện trợ quân sự của Mỹ bị trì hoãn. Wezeman phân tích: “Rõ ràng là châu Âu đang nỗ lực rất nhiều để tăng quy mô sản xuất đạn dược và toàn bộ các sản phẩm khác. Hóa ra là châu lục này có năng lực nhưng bị phân tán. Phần lớn đã 'ngủ quên' dù có chuyên môn, có dây chuyền sản xuất không hoạt động”.

Tháng 5/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi châu Âu tăng cường quyền tự chủ quốc phòng. Không phải ai cũng đồng ý với khuôn khổ tranh luận đó. Nhà sử học Hugo Bromley của Đại học Cambridge nói: “Các quan hệ đối tác công nghiệp quốc phòng nhằm bảo vệ các quốc gia châu Âu và hỗ trợ Ukraine vượt qua các ranh giới châu Âu. Cuối cùng, mục tiêu không phải là ‘quyền tự chủ của châu Âu’ mà tập trung nhiều hơn vào việc phát triển năng lực ở cấp quốc gia và quốc tế giữa bạn bè và đồng minh. Chúng ta không được để việc theo đuổi ‘quyền tự chủ của châu Âu’ cản trở việc cung cấp các hỗ trợ tốt nhất có thể”.

Thế Nam (Trang mạng aljazeera.com)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/bat-on-dia-chinh-tri-thuc-day-doanh-so-vu-khi-toan-cau-i725638/