Bát nháo thị trường sữa mang nhãn hiệu Ba Vì

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện khá nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu Sữa Ba Vì mà trên đó tem nhãn không đạt quy chuẩn theo quy định, được bày bán công khai.

Ba Vì nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội 60 km về phía Tây Bắc. Đây là một vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời, độc đáo. Do được thiên nhiên ưu đãi nên Ba Vì có một hệ sinh thái phong phú với thảm thực vật đa dạng nên hình thành nhiều trang trại đồng quê với nhiều sản phẩm nông nghiệp phong phú.

Nhiều năm qua, Ba Vì phát triển chăn nuôi bò sữa, tổ chức thu mua, tiêu thụ sản phẩm sữa của địa phương nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân trong vùng. Với mục tiêu phát triển mạnh và bền vững thương hiệu Sữa Ba Vì, UBND huyện Ba Vì đã thực hiện đăng ký bản quyền thương hiệu Ba Vì, theo đó những doanh nghiệp sản xuất sữa nào có sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn theo quy định thì Phòng Kinh tế UBND huyện Ba Vì sẽ có trách nhiệm cấp giấy phép nhãn hiệu sữa cho sản phẩm của doanh nghiệp đó.

Tem nhãn sản phẩm đặc sản Ba Vì không theo quy chuẩn, thiếu thông tin nhà sản xuất hiện được bán rộng rãi trên địa bàn huyện Ba Vì

Ngày 21/06/2017, phóng viên có buổi trao đổi với ông Chu Mạnh Huy - cán bộ Phòng Kinh tế huyện Ba Vì để nắm rõ hơn về quy trình cấp phép nhãn hiệu Sữa Ba Vì cho những sản phẩm đạt chuẩn đồng thời tìm hiểu thông tin về những doanh nghiệp đã có sản phẩm được cấp phép nhãn hiệu sữa Ba Vì.

Ông Huy cho biết: “Về quy trình cấp phép nhãn hiệu, đầu tiên doanh nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) để sản xuất và kinh doanh. Để được cấp giấy chứng nhận này, doanh nghiệp phải có đủ các điều kiện về hồ sơ pháp lý, sức khỏe con người. Sau đó mới đến các cơ sở pháp lý liên quan đến sản phẩm muốn xin cấp phép nhãn hiệu như nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, các chất phụ gia, giấy kiểm định chất lượng sản phẩm… Đầy đủ các quy định trên thì Phòng Kinh tế huyện sẽ tiến hành cấp phép cho cơ sở sản xuất và sử dụng nhãn hiệu sữa Ba Vì”.

Cũng theo ông Huy thì hiện nay trên địa bàn huyện Ba Vì, Phòng Kinh tế huyện mới chỉ cấp phép cho hai đơn vị có đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu Sữa Ba Vì đó là Công ty cổ phần sữa tươi Ba Vì và Công ty cổ phần sữa Quốc tế (IDP), mà trong đó cũng chỉ một số sản phẩm của hai công ty sữa này được cấp phép nhãn hiệu Sữa Ba Vì.

Tình hình hiện nay cho thấy, ngoài các nhãn hàng Sữa Ba Vì được cấp phép nhãn hiệu thì trên địa bàn huyện Ba Vì, các sản phẩm sữa được bày bán khá phổ biến. Việc trưng biển hiệu cùng những quảng cáo sữa chất lượng cao, thậm chí sử dụng cả nhãn hiệu Sữa Ba Vì mà không qua cấp phép đang là vấn đề được dư luận quan tâm và cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Đơn cử như nhãn hiệu sữa Ất Thảo, thương hiệu sữa này cũng được bày bán khá phổ biến dọc các tuyến cửa ngõ đi về UBND huyện Ba Vì.

Theo quan sát của phóng viên thì những điểm bán sản phẩm của nhãn hiệu Ất Thảo thường đón tiếp khách đoàn. Thông thường, mỗi đoàn xe du lịch ngang qua cơ sở của Ất Thảo đều dừng lại và dù muốn hay không muốn thì những vị khách trên xe đều phải ghé chân nơi đây. Và chiêu hút khách của các điểm bán sữa Ất Thảo là lái xe dừng xe cho khách nghỉ dừng chân sẽ có phong bì tùy theo số lượng khách. Tuy nhiên cán bộ Phòng Kinh tế lại cho biết: “Cơ sở sản xuất Ất Thảo sản xuất kinh doanh không đăng ký nhãn hiệu của Sữa Ba Vì, về hồ sơ pháp lý của Ất Thảo sẽ cung cấp cho phóng viên trong buổi làm việc lần tới”.

Còn một loại sản phẩm nữa hiện đang tồn tại đua theo thị trường Sữa Ba Vì tại địa bàn huyện Ba Vì đó là những sản phẩm mà trên đó tem nhãn không đạt quy chuẩn theo quy định. Sản phẩm này cũng được chào bán công khai trong những nhà hàng, quán giải khát và cả những điểm bán sữa. Thực tế cho thấy nếu người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm này nếu có bị ảnh hưởng đến sức khỏe thì cũng sẽ không biết kêu ai. Về việc này ông Huy cho biết: “Phòng Kinh tế huyện còn bận rất nhiều việc nên những sản phẩm trôi nổi không được cấp phép sản xuất, kinh doanh hay nhãn hiệu thì Phòng Kinh tế chỉ có thể phối hợp với đơn vị quản lý thị trường để rà soát. Nếu phát hiện có sai phạm là lập tức thu giữ, tiêu hủy”.

Như vậy, trách nhiệm quản lý chặt chẽ, ngăn chặn những nhãn hàng liên quan đến sữa hiện trôi nổi không qua kiểm định, cấp phép đang được kinh doanh trên địa bàn huyện Ba Vì không chỉ có trách nhiệm của Phòng Kinh tế huyện mà còn là trách nhiệm của đội ngũ quản lý thị trường phụ trách địa bàn huyện Ba Vì nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc những sản phẩm đủ và không đủ điều kiện, chất lượng liên quan đến sữa hiện đang được phân phối trên địa bàn huyện Ba Vì để người tiêu dùng nắm rõ và thông thái khi lựa chọn những sản phẩm tốt cho mình và gia đình.

Hiền Anh - Vũ Bình

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/bat-nhao-thi-truong-sua-mang-nhan-hieu-ba-vi-p50589.html