Bất đồng sâu sắc, Nga - Mỹ khó 'phá băng' tại Geneva

Giới quan sát không đặt nhiều kì vọng vào cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hai bên cũng chỉ hy vọng cuộc đối thoại sẽ giúp mối quan hệ trở nên ổn định và dễ đoán hơn.

Quốc kì Nga - Mỹ được treo dọc một cây cầu ở Geneva (Thụy Sĩ) trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Getty

Trả lời báo giới trên chiếc Không lực Một khi ông Biden đang đến Geneva, một quan chức Nhà Trắng cho biết hai lãnh đạo dự kiến sẽ đối thoại trong khoảng bốn đến năm tiếng, bắt đầu từ 13h ngày 16/6 (giờ địa phương).

"Chúng tôi không kì vọng sẽ có đột phá từ cuộc gặp này", quan chức nói trên nhận định.

Trước đó, giới chức cấp cao Mỹ cho biết trong cuộc gặp tại Geneva, Washington muốn thảo luận với Moscow về “các lĩnh vực có thể hợp tác để thúc đẩy lợi ích quốc gia và làm cho thế giới an toàn hơn”.

Tuy nhiên, cố vấn Chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Putin - Yuri Ushakov cho biết: “Tôi không chắc rằng hai lãnh đạo sẽ đạt được bất kì thỏa thuận nào trong cuộc gặp lần này.”

Phát biểu tuần trước, ông Biden mạnh mẽ tuyên bố ông sẽ gặp Tổng thống Putin để “cho ông ấy biết những gì tôi muốn ông ấy biết”.

Phát ngôn cứng rắn của ông Biden được nhiều nhà bình luận mô tả như một "lời cảnh báo". Ông Biden sau đó tuyên bố muốn có một mối quan hệ "ổn định, có thể đoán trước được" với Nga, được xây dựng dựa trên "trách nhiệm" mà cả hai cường quốc gánh vác.

Dmitri Trenin, giám đốc Viện Chính sách Carnegie Moscow, gần như không kì vọng nhiều vào cuộc đàm phán hôm thứ Tư.

“Thành tựu quan trọng nhất từ cuộc gặp ở Geneva là đảm bảo Mỹ - Nga không va chạm quân sự, không tấn công lẫn nhau”, ông Trenin nói.

Trong một dấu hiệu cho thấy bầu không khí căng thẳng đang bao trùm, cuộc đàm phán ở Geneve sẽ diễn ra liền mạch, không nghỉ dùng bữa. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tổ chức hai cuộc họp báo riêng biệt thay vì một cuộc họp báo chung.

Trái ngược với cựu Tổng thống Trump, người từng trò chuyện một đối một với Tổng thống Putin hồi năm 2018 tại Phần Lan, ông Biden dự kiến sẽ không có bất kì cuộc trò chuyện riêng nào với người đồng cấp Nga.

Quan hệ song phương Nga - Mỹ đã xấu đi trong nhiều năm, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, đưa quân đến hỗ trợ chính quyền Syria vào năm 2015, và bị Mỹ cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử năm 2016.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng sau khi Tổng thống Biden ám chỉ hồi tháng Ba rằng ông Putin là “kẻ sát nhân” và là người “không có tâm hồn”. Nga sau đó đã triệu hồi đại sứ tại Washington để tham vấn. Đến tháng Tư, Mỹ có động thái tương tự. Từ đó đến nay, Đại sứ Mỹ vẫn chưa trở lại Nga.

Minh Hạnh

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bat-dong-sau-sac-nga-my-kho-pha-bang-tai-geneva-post1346505.tpo