'Bất động' chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm

Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt Nghị định 116) quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã ban hành cách đây hơn 3 năm, nhưng đến nay nghị định này vẫn khó triển khai vào thực tiễn.

Sinh viên Khoa Sư phạm tiểu học - mầm non Trường đại học Đồng Nai sáng tạo mô hình đồ dùng dạy học. Ảnh: C.NGHĨA

Khi mới ra đời, Nghị định 166 được nhiều trường sư phạm kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút thí sinh có học lực giỏi vào ngành sư phạm, đồng thời giúp sinh viên sư phạm có điều kiện học tập tốt hơn, còn gia đình thì không phải lo chi phí học tập cho con em.

“Hóng” tiền hỗ trợ

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Nghị định 116 là sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Mức hỗ trợ lên tới 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thời gian hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Bên cạnh đó, Nghị định 116 cũng quy định giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu đào tạo của địa phương. Nguồn kinh phí chi trả sẽ do địa phương đặt hàng chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo vào thời điểm mỗi đầu năm học. Đối với phần kinh phí còn lại sẽ do Nhà nước chi trả cho sinh viên sư phạm đủ điều kiện nhận chi trả theo quy định.

Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ:

Cần quy định cụ thể để dễ thực hiện

Đồng Nai vẫn đang thiếu nhiều giáo viên, nhất là ở bậc mầm non, một số môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ… Nếu Nghị định 116 được rà soát điều chỉnh phù hợp thực tiễn cùng điều kiện ngân sách địa phương thì mới thực sự thu hút được sinh viên vào ngành sư phạm, đặc biệt là những ngành sư phạm đang thiếu.

Khi Nhà nước hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong thời gian sinh viên sư phạm học tập, chi phí đào tạo thì sinh viên có nghĩa vụ phục vụ ngành Giáo dục sau khi nhận bằng tốt nghiệp. Cụ thể, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ phải làm việc trong ngành sư phạm với thời gian ít nhất gấp đôi số năm học tập thực tế tại trường, đúng như cam kết trước khi bắt đầu nhận hỗ trợ từ Nhà nước.

Những quy định về chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm được kỳ vọng rất nhiều nhưng quá trình triển khai lại đầy vướng mắc, từ cơ chế phân bổ nguồn lực tài chính cho đến đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên sư phạm. Nhiều sinh viên sư phạm vẫn không thể tiếp cận và nhận được hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng, trong khi các trường sư phạm rất khó nhận được các đơn hàng đào tạo giáo viên từ các địa phương. Thậm chí, các địa phương có nhu cầu đặt hàng hay đấu thầu đào tạo giáo viên cũng không biết phải dựa theo tiêu chí nào.

Anh Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên sư phạm Toán của Trường đại học Đồng Nai cho hay: “Tôi đã tìm hiểu Nghị định 116 trước khi bước chân vào học ngành sư phạm, nhưng đến nay vẫn không biết làm sao để được nhận hỗ trợ khoản sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng. Hàng tháng, từ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tài liệu phục vụ học tập… vẫn do cha mẹ cho một phần, phần còn lại tôi đi làm gia sư vào buổi tối và dịp cuối tuần để kiếm tiền trang trải”.

Chờ điều chỉnh, bổ sung Nghị định 116

Theo Ban giám hiệu Trường đại học Đồng Nai, trường duy nhất trên địa bàn tỉnh có đào tạo ngành sư phạm, khi Nghị định 116 ra đời, nhà trường và sinh viên theo học ngành sư phạm rất mừng. Bởi nếu được Nhà nước hỗ trợ thì nhà trường đỡ gánh nặng về tài chính, còn sinh viên sẽ có điều kiện học tập tốt hơn. Nhiều sinh viên sư phạm sẵn sàng cam kết làm việc trong ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp, bởi mục đích này đã được xác định trước khi bước chân vào ngành.

Thực tế từ khi Nghị định 116 có hiệu lực vào ngày 11-11-2020, từ năm học 2020-2021, Trường đại học Đồng Nai đã triển khai cho sinh viên được biết chính sách hỗ trợ. Trong năm học 2021-2022, đã có tới 1.400 sinh viên làm đơn xin hỗ trợ theo hướng dẫn của nhà trường và nộp đến Phòng Công tác sinh viên. Nhà trường đã gửi danh sách sinh viên đủ điều kiện nhận hỗ trợ đến cơ quan chức năng nhưng khó khăn vì Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn thực hiện Nghị định 116.

Đối với công tác đặt hàng và đấu thầu đào tạo giáo viên, đến nay Trường đại học Đồng Nai chưa nhận được bất cứ một “đơn hàng” nào, cho dù tình trạng thiếu giáo viên, khó tuyển dụng giáo viên đang diễn ra ngày càng gay gắt hơn ở nhiều địa phương. Từ thực tế cũng cho thấy, khi các địa phương thiếu, hoặc khó tuyển giáo viên thường tìm đến các trường sư phạm để mời gọi sinh viên về công tác, còn chuyện địa phương đặt hàng để trường sư phạm đào tạo lại chưa được tính đến như một biện pháp căn cơ bền vững, lâu dài.

Nghị định 166 khuyến khích các địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên nhưng lại phải tự chi trả kinh phí đào tạo. Bên cạnh đó, cơ chế đấu thầu đào tạo giáo viên thực sự “làm khó” các địa phương vì thiếu những quy định cụ thể để thực hiện. Thậm chí, nhiều trường đại học sư phạm lẫn địa phương đều cho rằng cơ chế đấu thầu đào tạo giáo viên không phù hợp với hoạt động của ngành Giáo dục.

Sau 3 năm nghị định ra đời, mới đây Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát, sửa đổi và bổ sung Nghị định 116. Cụ thể, sẽ xóa bỏ nội dung đấu thầu đào tạo giáo viên mà chỉ còn đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, nhưng không quy định bắt buộc thực hiện. Đối với kinh phí phục vụ đào tạo, thay vì cấp tỉnh phải chi trả, Bộ GD-ĐT đã có đề xuất ngân sách trung ương sẽ chi trả toàn bộ, địa phương chỉ có trách nhiệm đối với phần kinh phí đào tạo cho trường sư phạm do địa phương quản lý.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202401/bat-dong-chinh-sach-ho-tro-sinh-vien-su-pham-8e6590b/