Bật 'chế độ sống xanh' tại đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội

Tối 27/11, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Giáo sư Valérie Guillard, Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp cùng Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm 'Bật chế độ sống xanh cho sinh viên đại học tại đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội'.

Các diễn giả và Ban tổ chức chụp hình lưu niệm tại sự kiện. (Ảnh: CHÍ CÔNG)

Đây là một trong những tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện giao lưu cùng Giáo sư Valérie Guillard mà Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp cùng với Đại học Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế Huế, Đại học Hoa Sen và Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.

Valérie Guillard là Giáo sư Đại học tại Đại học Paris Dauphine-PSL. Các nghiên cứu của bà thuộc khuôn khổ chủ đề tiết độ trong lối sống thường liên quan đến việc hiểu thói quen người tiêu dùng đối với đồ vật, thói quen sở hữu (tích lũy đồ đạc), dừng sở hữu (cho tặng, bán, trao đổi…), không sở hữu (tiết độ) theo hướng giảm thiểu rác thải và lãng phí.

Bà từng chủ nhiệm hai cuốn sách nhiều tác giả về tích lũy đồ đạc. Tác phẩm mới nhất của bà có nhan đề Comment consommer avec Sobríeté (tạm dịch: Làm cách nào để tiêu dùng một cách tiết độ).

Ba diễn giả trong buổi tọa đàm tại Đại học Quốc gia Hà Nội là những người truyền cảm hứng, giúp “bật công tắc” về lối sống xanh bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu như hiện nay.

Trong đó, triết lý về lối sống tiết độ của Giáo sư Valérie Guillard, Đại học Paris Dauphine-PSL hướng đến một lối sống theo hướng tối thiểu nhất mà vẫn tốt nhất, nói cách khác là vì một nền tiêu dùng đáp ứng các nhu cầu mà giảm thiểu được các tác động đến môi trường.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Valérie Guillard cho biết lối sống xanh là một vấn đề toàn cầu với nhiều thách thức.

"Có thể thấy, áp dụng lối sống xanh tương đối khó khăn vì để hưởng ứng một xu hướng thì rất cần tính cộng đồng, tập thể cao, từ đó cá nhân càng dễ thay đổi hơn. Chẳng hạn như tại Pháp, giới trẻ thậm chí còn cảm thấy xấu hổ khi đi xe đạp, tính cá nhân ở Pháp cũng rất mạnh. Còn ở Việt Nam, tôi nhận thấy các em sinh viên may mắn khi được quan tâm, hướng dẫn chủ đề lối sống xanh mà rất quan trọng đối với đời sống hiện nay", bà Valérie Guillard nhận định.

Giáo sư Valérie Guillard phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: CHÍ CÔNG)

Tiếp sau, tổng quan về lối sống xanh của TS Đỗ Xuân Đức - giảng viên bộ môn Biến đổi khí hậu và Khoa học bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội góp phần đưa các mô hình sống xanh đã triển khai thành công tại các trường đại học trên thế giới đến với sinh viên một cách dễ hiểu và hiệu quả nhất.

Cách thức bật chế độ sống xanh cho sinh viên tại khu đô thị Đại học là bài chia sẻ của TS Bùi Thị Thanh Hương - giảng viên bộ môn Biến đổi khí hậu và Khoa học bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo đó, thực hành sống xanh bắt đầu từ thực hành thói quen phân loại rác tại nguồn, từ điều phối hành vi tiêu dùng xanh, từ điều chỉnh nếp sống với phương châm LAGOM - Triết lý sống vừa đủ của người Thụy Điển, được biết đến như một lối sống chú trọng vào chất lượng hơn số lượng, luôn “biết đủ“ để dành thời gian tận hưởng từng phút giây.

Buổi tọa đàm góp phần truyền cảm hứng và khát khao sống xanh tiềm ẩn trong sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, khởi động cho chuỗi ngày hình thành thói quen sống xanh, thói quen phân loại rác tại nguồn giảm thiểu rác nhựa.

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: CHÍ CÔNG)

Năm học 2023-2024, Khu Đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội đón khoảng 6.000 học sinh, sinh viên từ 8 trường, khoa trực thuộc (bao gồm: sinh viên năm nhất trường Đại học Y Dược và Đại học Công nghệ, trường Đại học Việt Nhật, Luật, khối sư phạm trường Đại học Giáo dục, Trường Quốc tế, Khoa các Khoa học liên ngành và toàn bộ khối 10 trường THPT Khoa học Giáo dục (HES), tăng gấp 3 so với năm ngoái. Dự kiến đến năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa khoảng 15.000 sinh viên đến học tập tại đây.

Khuôn viên Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình "5 trong 1": Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ; trung tâm đổi mới sáng tạo; đô thị đại học thông minh; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.

Theo đó, việc hình thành thói quen sống xanh trở thành một yêu cầu bức thiết và trở thành văn hóa của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hiện tại, theo xếp hạng của tổ chức QS (Quacquarelli Symonds), Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 1.000 đại học tốt nhất thế giới.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bat-che-do-song-xanh-tai-do-thi-dai-hoc-quoc-gia-ha-noi-post784737.html