Bất chấp đe dọa, người Kurd Iraq quyết trưng cầu dân ý đòi độc lập

Người Kurd Iraq sẽ thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập vào ngày 25.9, bất chấp sự lo ngại của toàn khu vực Trung Đông và các cường quốc phương Tây cũng như sự đe dọa từ chính phủ Iraq.

Những ngày này, trên lãnh thổ tự trị của người Kurd tại Iraq là cờ Kurdistan - tên của lãnh thổ người Kurd nếu độc lập - đang tung bay trên mọi con đường. Những bảng quảng cáo với tiêu đề "Bây giờ là thời điểm để nói 'có' với một người Kurd tự do!" cũng được treo khắp nơi.

Massoud Barzani lãnh đạo người Kurd tại Iraq đã lên tiếng bác bỏ nỗ lực chặn cuộc trưng cầu dân ý từ Liên Hợp Quốc, Mỹ, Anh... Thổ Nhĩ Kỳ thì tập trận sát biên giới với Iraq vì lo người Kurd nước họ sẽ nổi dậy đòi sáp nhập với đất Kurd tại Iraq sau cuộc trưng cầu dân ý vài ngày tới.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim tuyên bố trên truyền hình quốc gia nước ông ngày 22.9 rằng cuộc bỏ phiếu này là một mối đe dọa an ninh quốc gia và Ankara "sẽ làm những gì cần thiết" để bảo vệ mình.

Nhưng Hoshyar Zebari, cố vấn cao cấp của ông Barzani, nói với Reuters: "Đây là vài mét cuối cùng của một cuộc chạy nước rút và chúng tôi sẽ đứng vững".

Những người Kurd tin rằng cuộc bỏ phiếu không ràng buộc này là một cơ hội lịch sử để chấm dứt sự bất công mà Anh - Pháp đã tạo ra sau 100 năm hai đế quốc thực dân khi xưa ký thỏa thuận Sykes-Picot, chia Trung Đông thành những nước như ngày nay và đẩy 30 triệu người Kurd phân tán khắp Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq.

Ông Zebari nói rằng nếu dừng cuộc trưng cầu dân ý thì đồng nghĩa với một "tự sát chính trị của những lãnh đạo người Kurd và giấc mơ độc lập của người Kurd. Một cơ hội mà thế hệ của tôi sẽ không bao giờ được thấy quay lại một lần nữa".

Cuộc trưng cầu dân ý có thể dẫn đến một cuộc xung đột ở thành phố dầu mỏ Kirkuk, nằm ngoài ranh giới được công nhận của khu tự trị người Kurd và Baghdad tuyên bố chủ quyền. Thành phố này là nơi sinh sống của người Kurd, Turkmen và Shiite, nhưng người Kurd chiếm ưu thế.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tuyên bố họ có "nhiệm vụ đặc biệt" để bảo vệ người Turkmen. Trong khi người Kurkmen và Shiite tại Kirkuk cũng cho thấy họ rất thân Iran.

"Chúng tôi nghĩ những người chống cuộc trưng cầu dân ý sẽ gây rắc rối, nhưng chúng tôi quyết tâm không tạo ra bất kỳ xung đột bạo lực nào. Chúng tôi sẽ không cho họ bất kỳ một lý do nào để can thiệp hoặc đặt câu hỏi về sự hợp lệ của cuộc bỏ phiếu này", ông Zebari nhấn mạnh.

Tòa án Tối cao Iraq trước đó cũng đã đình chỉ cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd Iraq theo yêu cầu của chính phủ nước này. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thậm chí còn tuyên bố với AP trong một cuộc phỏng vấn là chính phủ của ông sẵn sàng dùng vũ lực để can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập này.

Nếu dân Iraq bị "đe dọa dùng vũ lực ngoài luật pháp thì chúng tôi sẽ can thiệp bằng quân sự", ông al-Abadi nói.

Ái Vi (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/bat-chap-de-doa-nguoi-kurd-iraq-quyet-trung-cau-dan-y-doi-doc-lap-72102.html