Bất cập trong xử lý nợ thuế

Trong công tác xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tại Cục Hải quan Hà Nội vẫn còn các trường hợp DN giải thể không phải là DN nhà nước nên không thuộc đối tượng được xóa nợ theo Thông tư 179/2013/TT-BTC.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội. Ảnh: Hữu Linh.

Bởi theo quy định thì phải thực hiện đầy đủ các biện pháp cưỡng chế và số tiền nợ thuế, nợ tiền chậm nộp, nợ tiền phạt phải trên 10 năm mới đủ điều kiện xóa nợ thuế trong khi đó các đối tượng nợ thuế này đã không còn tồn tại từ lâu do khi thực hiện thủ tục giải thể, cơ quan Nhà nước không thông báo với cơ quan Hải quan để thực hiện thủ tục thanh lý tài sản nhà nước và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Mặt khác, đối với quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, trên thực tế chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là không còn nợ thuế, trong khi một số trường hợp người nộp thuế trước đây được miễn thuế, thuộc đối tượng không phải nộp thuế khi chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản có thay đổi mục đích sử dụng như chuyển nhượng, cho biếu, tặng đối với tài sản thì phải thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định, dẫn đến tình trạng người nộp thuế chưa hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế thì đã chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản, để lại một khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi.

Các biện pháp cưỡng chế chưa khả thi

Để thực hiện thu hồi nợ thuế, Cục Hải quan Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Thống kê từ năm 2011 đến năm 2016, số lượt DN bị Cục Hải quan Hà Nội áp dụng biện pháp cưỡng chế tăng từ 5 DN lên đến 281 DN, số tiền thuế cưỡng chế từ 1 tỷ đồng lên 765,2 tỷ đồng. Tính riêng năm 2016, Cục Hải quan Hà Nội đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế: Phân loại nợ, phối hợp thực hiện các biện pháp cưỡng chế… Ban hành 32 quyết định trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế, 36 quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan, 105 công văn đề nghị cơ quan Thuế thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng, 108 công văn đề nghị cơ quan nhà nước thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Kết quả, thu đòi nợ đọng thuế đạt 28,2/44,79 tỷ đồng, đạt 62,96% chỉ tiêu được giao.

Tuy vậy, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế vẫn có những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, việc áp dụng biện pháp “trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, yêu cầu phong tỏa tài khoản” được quy định khá rõ trong Luật. Mặc dù xác minh có số dư trong tài khoản ngân hàng của đối tượng nộp thuế, nhưng cơ quan Hải quan chỉ có thể phong tỏa tài khoản khi ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền gửi nộp ngân sách nhà nước. Do đó, đối tượng nộp thuế có đủ thời gian để rút tiền gửi từ tài khoản trước khi bị cưỡng chế.

Một trong số các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đánh giá tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân nợ thuế, xác định tỷ lệ % vốn góp của cá nhân trong tổng số vốn của DN còn khó khăn do thiếu cơ sở, căn cứ cụ thể dẫn đến tính khả thi của quy định còn hạn chế.

Theo quy định, khi cơ quan Hải quan có đủ thông tin và điều kiện để thực hiện biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính do tổ chức cá nhân khác đang nắm giữ (trong đó có tiền thuế GTGT được hoàn của DN tại cục thuế) thì quyền ra quyết định cưỡng chế gửi đến cục thuế địa phương đề nghị thực hiện việc trích nộp số tiền nợ thuế của DN từ số tiền thuế GTGT được hoàn vào tài khoản của hải quan mở tại Kho bạc Nhà nước. Nhưng theo quy định, cơ quan Thuế phải nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN thì mới có thể kiểm tra điều kiện được hoàn thuế. Các trường hợp đã bỏ trốn, mất tích thì không thể lập và nộp hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan Thuế. Do đó, cơ quan Hải quan không thể thực hiện biện pháp cưỡng chế nêu trên.

Kiến nghị biện pháp phong tỏa tài khoản

Trước những bất cập, tồn tại trong việc quản lý thuế, Cục Hải quan Hà Nội đang kiến nghị các cấp có thẩm quyền những giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Trong đó, kiến nghị cho xóa các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/7/2007 của các DN không phải DN nhà nước đã giải thể như đối với các DN nhà nước giải thể theo quy định tại Thông tư 179/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, đối với các trường hợp cơ quan Hải quan xác định đủ căn cứ áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền gửi nộp ngân sách nhà nước, kiến nghị cho phép áp dụng ngay biện pháp phong tỏa tài khoản sau khi xác minh có số dư trong tài khoản của đối tượng nộp thuế. Kiến nghị có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để cơ quan Hải quan có căn cứ thực hiện một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, đối với các DN ngừng hoạt động hoặc bỏ trốn không nộp được hồ sơ đề nghị hoàn thuế cho cơ quan Thuế, kiến nghị cho phép cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế tự rà soát và phối hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ để giảm nợ xấu trên hệ thống của cơ quan Hải quan.

Trong đánh giá về thực hiện Luật Quản lý thuế, Cục Hải quan Hà Nội cho biết, vẫn còn các DN đang nợ thuế nhưng đã được các cơ quan có thẩm quyền cho phép chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản. Các khoản nợ thuế này chủ yếu phát sinh trước khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực (1/7/2007) khi chưa có quy định về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền cho phép chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản với cơ quan Hải quan. Chẳng hạn như trường hợp Công ty TNHH World Vina, là công ty 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, hiện còn nợ thuế của 45 tờ khai hải quan mở tại Cục Hải quan Hà Nội năm 2005, 2006, tổng số tiền thuế và tiền chậm nộp là hơn 3 tỷ đồng. Từ khi công ty phát sinh nợ thuế, Cục Hải quan Hà Nội đã nhiều lần gửi thông báo đôn đốc công ty nộp thuế nhưng công ty không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Năm 2006, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động của công ty. Tuy nhiên, khi đó, cơ quan Hải quan lại không được thông báo về quyết định chấm dứt hoạt động của công ty và người đại diện theo pháp luật của công ty đã rời khỏi Việt Nam, trong khi các khoản nợ thuế tại cơ quan Hải quan vẫn còn.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bat-cap-trong-xu-ly-no-thue.aspx