Bắt cá bống trên sông Cái Nha Trang

Bây giờ mỗi lần có dịp gặp nhau ở đâu đó, mấy anh bạn cũ của tôi hay nhắc lại chuyện đi bắt cá bống trên sông Cái Nha Trang. Có người không khỏi lấy làm lạ khi nghe chuyện này, nhưng có một thời rủ nhau đi bắt cá bống đã để lại trong chúng tôi những ký ức khó quên.

Bốn mươi năm trước, khi còn trẻ, tôi có mấy người bạn giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Vào ngày Chủ nhật hay ngày lễ, mấy bạn ấy thường rủ nhau đi câu cá trên sông Cái và cho tôi đi theo. Câu cá là thú vui, được ngắm trời mây sông nước, lại có cá mang về. Ngày ấy ít người đánh bắt nên cá ở sông còn nhiều. Sau một thời gian, Hào - thành viên trong nhóm phát hiện trên sông thỉnh thoảng có những đàn cá bống, thế là anh bắt đầu bày chúng tôi cách đặt ống để bắt. Chúng tôi làm thử, không ngờ cách này hiệu quả hơn đi câu rất nhiều.

Cá bống kho tiêu. Ảnh: Internet

Bắt cá bống theo cách bạn tôi làm thật đơn giản. Hồi ấy, ở đầu cầu Xóm Bóng người ta bán rất nhiều tre lồ ô. Sau khi mua, chúng tôi nhờ người ta cắt ra từng đoạn, mỗi đoạn dài chừng nửa mét, một đầu giữ nguyên cái mắt của lóng tre (để bịt kín), đầu còn lại để trống. Trên đầu phía ống tre bịt kín, chúng tôi khoan một cái lỗ rồi thọc xuyên qua đó một cây ghim nhọn to bằng ngón tay út, dài chừng nửa mét để khi cắm xuống lòng sông, ống không bị nước cuốn đi. Ở mỗi ống còn cột thêm sợi dây cước dài hơn mét, trên đầu kia buộc cục xốp để đánh dấu nơi mình thả ống.

Ở bờ bắc sông Cái Nha Trang 40 năm trước, nhà cửa còn thưa thớt, nhiều chỗ đầy bờ bụi, hoang vu, nhất là đoạn nằm gần khu tắm bùn Tháp Bà ngày nay. Những ngày đầu, mỗi đứa chúng tôi chở sau xe đạp mấy chục “cái bẫy bằng tre” nói trên, chọn đoạn sông không sâu, nước ngang bụng, rồi lần lượt lội xuống cắm ống.

Cá bống có nhiều loại: Cá bống tượng, cá bống găm, cá bống nhọn, cá bống cát. Trong số ấy, ở sông Cái Nha Trang, cá bống cát là loại cá ngon, lại có rất nhiều. Sau mùa lũ lụt, giống cá này sinh sôi nảy nở, ăn chất mùn và sinh vật trong các lớp phù sa từ thượng nguồn đổ về nên lớn nhanh. Vốn sống thành bầy đàn và là loài nhát tính, nên cá bống có đặc điểm là sau khi bơi lội, kiếm mồi thường tìm nơi kín đáo để ẩn náu. Do đó, những cái ống tre bịt kín một đầu khi nằm dưới đáy khúc sông cạn ven bờ làm cho chúng tưởng là cái hang an toàn nên nhiều con đã chui vào trú ngụ. Nắm được quy luật này nên ngày rảnh, cứ chừng 8 giờ sáng, đặt ống, chúng tôi đi câu ở đoạn sông khác, hoặc đi chơi, chừng 4 giờ chiều thì quay lại, bắt đầu thu hoạch. Căn cứ vào các chiếc phao xốp, chúng tôi, đứa nào đứa nấy lặn xuống, đưa một tay bịt đầu ống để trống, tay kia nhấc ống lên rồi rung thử, nếu trong ống có cá là biết ngay. Lúc này, chúng tôi chỉ cần mở nắp cái giỏ nhựa, nghiêng ống trút cá vào là xong việc. Có khi trong ống chỉ có một con, có lúc đến hai hoặc ba con. Thích nhất là khi ta rung thử, nghe trong chiếc ống tre có tiếng “xục xịch”, lại càng thích hơn khi trong cái giỏ nhựa những chú cá bống còn tươi nguyên, con nằm ngược, con nằm xuôi, con nào con nấy hai mang thở phập phồng...

Cá bống cát. Ảnh: Internet

Những năm ấy chưa có xe máy, mấy anh em đều đi xe đạp, đường tính ra cũng xa, tránh lỉnh kỉnh, mất công, phải chở dụng cụ đi - về, nên sau mấy lần, mỗi khi bắt được cá xong, chúng tôi giấu các chiếc ống vào một bụi lùm nào đó để lần tới lại đến lấy, đi đặt tiếp.

Theo bạn tôi, anh học cách bắt cá bằng ống tre từ khi còn sinh sống ở Quảng Nam. Tuy cũng từng sống ở làng quê nhưng tôi chưa nghe thấy kiểu bắt cá này bao giờ. Mỗi lần đi đặt ống với tôi là một lần thích, ngoài thú tiêu khiển còn có món ăn ngon. Đất nước thời kỳ ấy mọi thứ thật khó khăn, đồng lương ít ỏi, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, công chức đa phần đều chạy đầu này, đầu kia để kiếm thêm để cải thiện bữa ăn. Mà cá bống sông đâu phải thứ dễ tìm. Đây là món ngon từ xa xưa ca dao dân gian đã có rất nhiều câu đề cập đến, chẳng hạn như: “Bậu thương ta, ta sẽ đi câu/Bắt con cá bống cắt đầu kho tiêu/Kho tiêu, kho ớt, kho hành/Kho thêm lạng thịt để dành mà ăn”. Chính vì vậy, khi thấy có cá bống do tôi bắt mang về, trong nhà ai cũng vui, đặc biệt là khi chúng được kho queo với tiêu, gắp ra đĩa tỏa mùi hương thơm lừng.

Chuyện thỉnh thoảng đi đặt ống, bắt cá bống trên sông Cái Nha Trang kéo dài chừng hai năm, cho đến khi mấy anh bạn trong nhóm chúng tôi, người chuyển công tác đi nơi khác, người lập gia đình, bận rộn nên thôi.

Bao năm trôi qua, không biết trên sông Cái Nha Trang giờ đây có ai còn đặt bẫy ống tre để bắt cá bống như chúng tôi ngày xưa không, nhưng sáng sáng, khi đi tắm biển về, ghé ngang chợ Xóm Mới, đôi khi tôi bắt gặp một số chị bày bán giống cá này trên mấy cái rổ. Cá khá tươi. Hỏi, chị nào cũng bảo, cá bắt trên sông. Nói rồi có chị đon đả: Mua đi chú, cá này kho tiêu thì hết ý!…

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202402/bat-ca-bong-tren-song-cai-nha-trang-269356f/