Bất an với 'ma trận' nước mắm

Theo thống kê, 94% hộ gia đình Việt dùng nước mắm, với mức tiêu thụ trên 200 triệu lít/năm.

Tuy nhiên, nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống chỉ chiếm 25%, trong khi nước mắm pha chế công nghiệp chiếm 75%.

Tinh cốt cá cộng hương liệu thành nước mắm

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất nước mắm do Bộ NN&PTNT ban hành năm 2012, nước mắm là sản phẩm thu được từ quá trình lên men của hỗn hợp cá và muối trong khoảng thời gian 6 tháng. Quy định là vậy thế nhưng trên bao bì nhiều loại nước mắm như Nam Ngư, Chinsu, Ông Tây… đều ghi rõ sản phẩm được làm từ tinh cốt cá cơm, hương cá hồi, muối và có thêm 15 - 17 chất hóa học điều vị, tạo màu, bảo quản… Những thành phần này đều được ghi dưới dạng tên khoa học khiến người tiêu dùng không thể biết những chất này có nguy hại đến sức khỏe hay không. Bà Nguyễn Thị Huệ (ngõ 85, đường Nguyễn Lương Bằng) bày tỏ: Sau khi báo chí đưa thông tin tôi mới biết đa phần nước mắm bán thị trường sản xuất theo kiểu công nghiệp có chứa các chất phụ gia.

Người tiêu dùng mua nước mắm tại hội chợ hàng Việt trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Nước mắm công nghiệp với thành phần chính là tinh cốt cá cơm hòa chung với nước cùng mười mấy loại hóa chất không thể gọi là nước mắm mà chỉ có thể gọi là nước chấm. Nhưng điều đáng lo ngại, những loại hóa chất này mặc dù được phép dùng trong thực phẩm nhưng nếu sử dụng thường xuyên lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, để có thể phân biệt đâu là nước mắm công nghiệp với nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống là điều vô cùng khó khăn, bởi tất cả đều gọi chung là "nước mắm". Giá bán là cách duy nhất để người tiêu dùng phân biệt 2 loại nước mắm này, bởi nước mắm truyền thống thường đắt gấp 3 - 5 lần so với nước mắm công nghiệp. Cụ thể nước mắm Nam Ngư, 10 độ đạm chỉ 43.000 đồng/lít và Chinsu 62.000 đồng/lít. Trong khi đó, nước mắm mang thương hiệu Nam Phan, 30 độ đạm, xuất xứ Ninh Thuận có giá 237.000 đồng/lít. Nước mắm Phú Quốc Ông Kỳ, 35 độ đạm, xuất xứ Phú Quốc giá 160.000 đồng/lít.

Thiếu bộ tiêu chuẩn khó xử lý

Nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền lợi cho người dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất đang bán trên thị trường; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/10/2016.

Ngày 12/10 Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã có Công văn số 2267/QLTT-NVTH về việc kiểm tra kiểm soát ATTP đối với mặt hàng nước mắm công nghiệp trên địa bàn TP. Theo đó, Chi cục QLTT Hà Nội yêu cầu các đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát tất cả sản phẩm nước mắm công nghiệp hiện đang lưu thông trên thị trường. Hoạt động kiểm tra sẽ tập trung vào các siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý bán buôn bán lẻ, chợ dân sinh và các tổ chức, cá nhân kinh doanh nước mắm công nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế kiểm tra, QLTT Hà Nội đã gặp nhiều khó khăn bởi hiện chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm, nước chấm, nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống… Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết: Từ trước đến nay người tiêu dùng đều cho rằng nước mắm được sản xuất theo phương thức truyền thống gồm cá, muối. Nhưng với nước mắm sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, những chất phụ gia có trong thành phần lại do ngành y tế quản lý. Bên cạnh đó DN khi đưa sản phẩm ra thị trường đều tự công bố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn cơ sở… và được ngành y tế cấp giấy chứng nhận. Vì vậy khi lực lượng QLTT chỉ có thể kiểm tra DN có đầy đủ giấy chứng nhận theo quy định hay không. Về chất lượng sản phẩm cũng chỉ xác định có đúng như giấy chứng nhận đã được ngành y tế cấp phép hay không.

Từ thực tế công tác QLTT cho thấy, các quan chức năng cần sớm đưa ra những bộ tiêu chuẩn về nước mắm, nước chấm, nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống… trong đó làm rõ, rạch ròi khái niệm nước mắm và nước chấm. Đây không chỉ là cơ sở để cấp phép cho sản phẩm mà còn là cơ sở pháp lý cho lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra chất lượng khi lưu thông trên thị trường. Đây cũng là giải pháp giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm phù hợp với mình.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bat-an-voi-ma-tran-nuoc-mam-257315.html