Bất an trước hiểm họa cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa bão

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng cây xanh bật gốc, ngã đổ xuống đường liên tục xuất hiện, gây thiệt hại về người và tài sản. Thành phố và khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa, nguy cơ xảy ra tai nạn liên quan đến cây xanh gia tăng khiến người dân bất an. Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh.

Nhân viên Công ty cây xanh tiến hành cắt và dọn dọp hiện trường sự cố ngọn cây gẫy, rơi trúng vào ô tô và xe máy đang lưu thông trên đường Lê Hồng Phong (Quận 10, TP Hồ Chí Minh). Ảnh tư liệu: CTV

Nhiều vụ việc cây xanh bị gãy, đổ

Chiều tối 22/8, khu vực phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức xuất hiện mưa lớn kèm gió mạnh. Đến khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, một cây si cao khoảng 10 m, đường kính gần 1 m trên đường số 21, phường Phước Bình bất ngờ bật gốc đè trúng hai người đàn ông đang trú mưa trên vỉa hè dưới tán cây; trong đó một người đã tử vong. Người dân ở khu vực này cho hay, trời đang mưa to, gió lớn, xuất hiện nhiều tiếng động mạnh. Người dân chạy ra quan sát thấy, cây si trên đường số 21 đã đổ sập và gây ra vụ việc thương tâm.

Đây không phải là lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra sự cố liên quan đến cây xanh gãy, đổ. Trước đó, chiều 28/7, một người đàn ông đang đi xe máy trên đường Hùng Vương (Quận 5), bất ngờ một nhánh cây xanh trên cao gãy, rơi trúng khiến người này bị thương. Rất may, người đàn ông không bị nguy hiểm đến tính mạng. Chiều 17/7, một cây xanh gốc to hơn một người ôm, tán rộng trên đường Võ Thị Nhờ (Quận 7) bị bật gốc, đổ xuống đường, gây cản trở giao thông và khiến một mảng vỉa hè bị biến dạng. Chiều 12/6, mưa lớn kèm dông lốc khiến cây si cao hơn 20 m, rễ bị sâu mọt, có tán rộng trên đường Bùi Tá Hán (thành phố Thủ Đức) bật gốc, đè đứt nhiều dây điện gần đó và đè lên chiếc ô tô 4 chỗ đậu trên đường (làm vỡ kính chắn gió, đầu phương tiện hư hỏng nặng). Thân cây lớn đổ chắn ngang đường khiến giao thông ùn tắc nhiều giờ.

Nghiêm trọng nhất là vụ cây xanh khoảng 50 năm tuổi, bị bật gốc trong khuôn viên Trường Trung học Cơ sở Trần Văn Ơn, trên đường Nguyễn Văn Thủ (phường Đa Kao, Quận 1) vào đầu tháng 4/2023 khiến nhiều người bị thương, một số xe máy hư hỏng nặng. Vụ việc xảy ra lúc 7 giờ ngày 3/4. Thời điểm đó, nhiều người dân sống cạnh Trường Trần Văn Ơn nghe tiếng động lớn khi chạy ra, thấy cây xanh cao hàng chục mét trong khuôn viên trường đã bật gốc, đổ ra giữa sân, đè sập tường của Trường. Thời điểm này có nhiều phụ huynh đưa con đi học đang dừng xe máy trước cổng. Một số người không kịp thoát đã mắc kẹt dưới tán cây. Sự cố trên khiến 9 xe máy hư hỏng nặng, 6 người bị thương (trong đó có một học sinh và một thai phụ). Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu ngay sau đó và may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng.

Liên tục xuất hiện sự cố do cây xanh ngã, đổ không khỏi khiến người dân Thành phố cảm thấy lo lắng khi lưu thông trên đường trong những lúc mưa bão. Chị Trần Hồng Lan (ngụ thành phố Thủ Đức) cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố Thủ Đức xảy ra rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến cây xanh. Đặc biệt vào mùa mưa, số vụ việc càng gia tăng. Nhiều người dân mỗi khi thấy trời mưa không dám ra khỏi nhà, hoặc chấp nhận tan làm muộn, đợi mưa tạnh.

“Không ai muốn ra đường khi trời mưa bão, dông lốc nhưng mỗi ngày đều phải đi làm nên chúng tôi đành chấp nhận. Chưa kể mưa hay xuất hiện bất ngờ vào đúng giờ tan tầm khiến nhiều người không kịp trở tay. Nếu mưa kèm dông lốc mạnh, nguy cơ cây xanh gãy cành, bật gốc rất lớn. Sắp tới, các học sinh sẽ tựu trường càng khiến chúng tôi lo lắng hơn. Rất mong các cơ quan chức năng có phương án khắc phục, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”, chị Lan chia sẻ.

Rà soát, xử lý kịp thời các cây gãy, mục

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa nên nguy cơ xảy ra tai nạn do cây xanh ngã, đổ là rất cao. Cơ quan, ban, ngành chịu trách nhiệm cần tiến hành rà soát lại cây cối trên địa bàn để phát hiện và xử lý những cây gãy, mục. Tai nạn liên quan đến cây xanh thường xảy ra rất bất ngờ, đôi lúc đúng vào giờ cao điểm khi có rất nhiều phương tiện di chuyển trên đường, dễ gây ra thương vong. Do đó, người dân không nên chủ quan, khi thấy có mưa kéo dài, kèm dông lốc và gió giật thì tuyệt đối không trú mưa dưới hoặc gần những khu vực có cây lớn.

Liên quan đến sự cố cây xanh, ông Hồ Hữu Hải, Trưởng Phòng Công viên - Cây xanh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Xây dựng Thành phố) cho biết, trường hợp sự cố cây xanh gây tai nạn, thiệt hại cho người dân là rủi ro không mong muốn. Khi xảy ra tai nạn liên quan đến cây xanh, Trung tâm và các đơn vị được giao chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đều có các bước phối hợp, thực hiện hỗ trợ cho người bị nạn, bị thiệt hại tài sản với sự quan tâm, chia sẻ về tinh thần và vật chất nhằm xoa dịu, giảm thiểu phần nào những rủi ro, thiệt hại và mất mát bởi sự cố không mong muốn gây ra.

Theo ông Hồ Hữu Hải, công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đô thị luôn được thực hiện thường xuyên và liên tục theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo mỹ quan, cảnh quan và an toàn cho đường phố. Đồng thời, Trung tâm đã phát triển, trồng mới thêm cây xanh hàng năm trên đường phố, công viên và mảng xanh công cộng trên địa bàn để thay thế cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn.

Trong mùa mưa năm 2023, Trung tâm đã triển khai và đang duy trì thực hiện xuyên suốt các kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây; rà soát, xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn phân cấp quản lý nhằm kịp thời ghi nhận, phát hiện cây bị chết, bị suy giảm sức sống, bị sâu bệnh, hư hại để có biện pháp thay thế phù hợp. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức ứng trực, tiếp nhận thông tin và kịp thời xử lý, khắc phục sự cố.

Đối với vấn đề có một số cây nhìn rất xanh tốt, nhưng khi ngã đổ mới phát hiện gốc rễ đã mục hoặc thân bị sâu mọt, ông Hồ Hữu Hải cho biết, Trung tâm và các đơn vị chăm sóc, bảo dưỡng sẽ tăng cường rà soát, khảo sát, đánh giá qua một số điều kiện không gian sống xung quanh, như: tuyến đường đó có từng được thi công các khu nhà hoặc công trình ngầm hay không; nhận diện qua các biểu hiện của tán lá để hạn chế thấp nhất những rủi ro, sự cố có thể xảy ra. Thời gian tới, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn cây xanh đường phố, trong đó có việc kiểm tra, phát hiện, xử lý thay thế cây xanh mất an toàn, tổ chức ứng trực 24/24 giờ; chú trọng vào các thời điểm mưa bão, bố trí tăng cường phương tiện, thiết bị để kịp thời, chủ động xử lý, giải quyết trong mọi tình huống.

Hồng Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/bat-an-truoc-hiem-hoa-cay-xanh-gay-do-trong-mua-mua-bao-20230823132530561.htm