Barca chờ đợi chả kém Chelsea

Chelsea có rất nhiều lý do để chờ đợi cuộc chạm trán này. Một trận chung kết Champions League sẽ là món quà tuyệt vời cho các CĐV trong mùa giải giông bão. Làm được việc ấy, nghĩa là họ cũng đã đòi lại được món nợ mà Barca đã vay của họ hồi bán kết 2009, mùa giải mà thầy trò HLV Pep Guardiola đã lên ngôi vô địch. Nhưng chính Barca cũng trông đợi trận đấu này chả kém gì Chelsea. Đối với họ, đó là một trận cầu có ý nghĩa lớn về mặt danh dự.

Một pha bóng tranh cãi trong trận Chelsea - Barcelona năm 2009

HLV Pep Guardiola giơ 5 ngón tay về phía cử tọa sau trận bán kết lượt về với Milan và nhấn mạnh: “Năm”. Một vài phút trước đó, Zlatan Ibrahimovic đã lên tiếng chỉ trích Barca một lần nữa được hưởng lợi bởi quyết định của trọng tài. Ibra nói: “Giờ tôi đã hiểu tại sao Mourinho lại cư xử như thế trong phòng họp báo sau trận thua Barca mùa trước”. Pep giơ 5 ngón tay lên và đáp: “Nếu quý ông Ibrahimovic nói thế, tốt thôi. Nhưng đây đã là lần thứ 5 liên tiếp Barca vào bán kết Champions League. Xin nhấn mạnh là 5. Chúng tôi nói chuyện trên sân cỏ”.

Đó là một trong những lần thật sự hiếm hoi Pep tỏ thái độ gay gắt trong phòng họp báo. Lần đầu tiên trước đây 1 năm. Ông cũng vung tay, cũng lên giọng và nói: “Chúng tôi sẽ nói chuyện ngoài kia, trên sân. Còn trong phòng này thì ông ta (Mourinho) là vô địch rồi. Ông ta là tên khốn kiếp” (trong đoạn này, thậm chí Pep đã tuôn ra một câu chửi thề rất nặng).

Pep, một người nổi tiếng hiền lành, ít bao giờ chỉ trích hay than phiền bất kỳ điều gì, phản ứng như vậy trong 2 lần nêu trên là bởi ông cảm thấy thật bất công khi người ta nhìn Barca của ông với ánh mắt thiếu công bằng. Xin trở lại với con số 5 của Pep. Lần thứ 5 vào chung kết Champions League, Barca đã tái lập kỷ lục của Real Madrid giai đoạn từ 1955-1960. Vậy mà người ta vẫn cứ nói họ sống nhờ trọng tài. Tất cả khởi nguồn từ trận bán kết Champions League năm 2009 với Chelsea vậy.

Hôm ấy, vị trọng tài người Na Uy Tom Henning Ovrebo đã khước từ 1, 2, 3 hoặc 4 quả phạt đền cho đội chủ nhà (tùy quan điểm của bạn). Mourinho đã gọi đấy là “Scandal Stamford Bridge” và “không tính” danh hiệu năm ấy cho Barca bất chấp ông không còn là HLV của Chelsea nữa. “Tôi sẽ rất xấu hổ nếu vô địch theo cách mà Barca đã làm,” Mourinho nói.

Trận ấy, Barca chỉ còn cách việc bị loại một vài phút mong manh. Chính Pep Guardiola cũng đã sang chỗ Guus Hiddink chúc mừng người HLV tiền bối. Nhưng rồi cú sút của Andres Iniesta đã mang Barca vào chung kết. Hiển nhiên là người ta đã quên cú sút ấy và chú ý hơn vào những quả phạt đền bị bỏ qua. Vấn đề là Barca… đâu có tự mình thổi hay từ chối những quả 11 mét ấy. Câu hỏi đặt ra: nếu được hưởng 1 quả phạt đền, bạn có nhận nó hay không?

Tại Tây Ban Nha, Xavi từng than phiền là anh cảm thấy những thành tựu của Barca đang không được ghi nhận xứng đáng. Người ta dễ dàng quên đi những thành tựu kỳ vĩ để nâng những chi tiết vụn vặt lên thành chuyện lớn. Trong bóng đá, sai lầm của trọng tài là một phần không thể tách rời. Bạn sẽ được tha thứ nếu được tặng (hoặc tha) một quả phạt đền, miễn bạn đừng là… Barca.

Bởi thế nếu Chelsea coi cuộc tái ngộ này là cơ hội báo thù, Barcelona cũng coi đây là một cơ hội. Cơ hội để đòi lại danh dự, rửa sạch những oan khiên từ miệng đời cay nghiệt. So với năm 2009, Chelsea vẫn vậy (nếu như không muốn nói là yếu hơn) trong khi Barca đã tăng tiến lên một tầm cao mới của nghệ thuật tấn công. Họ cần phải chơi một trận thật xuất sắc, vượt trội hoàn toàn để đập tan dư luận. Vì chỉ một quyết định có lợi của trọng tài khi trận đấu đăng giằng co, những lời dèm pha sẽ lại ập xuống.

NGỌC HUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thethao/bongdaquocte/2012/4/286403/