Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giúp bạn thoát họa diệt chủng

Cánh đây 45 năm, trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Tây Nam, cùng với sự khẩn cầu của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, Đảng và Nhà nước ta đã tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng, đập tan mưu đồ xâm lược nước ta và cứu dân tộc Campuchia thoát họa diệt chủng của Tập đoàn Pol Pot.CUỘC CHIẾN TỰ VỆ BẮT BUỘC

Sau khi thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, nhân dân ta bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Cùng thời gian này, tháng 4/1975 Pol Pot lên nắm quyền ở Campuchia lập ra nhà nước Campuchia dân chủ. Từ đây, với sự hậu thuẫn của các thế lực phản động, Pol Pot thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại cực kỳ phản động chưa từng có trong lịch sử.

Trong nước, chúng thực hiện chính sách “Không tự do đi lại, không tự do hội họp, không tự do ngôn luận, không tự do tín ngưỡng, không tự do học hành, không tự do hôn nhân, không bệnh viện, không tiêu tiền, không buôn bán, không chùa chiền... và không có cả nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của dân tộc. Chỉ còn căm thù và uất hận”. Đó là diễn văn của ông Rua Xamay - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia tại cuộc mít tinh của nhân dân TP.Hà Nội chào mừng thắng lợi của cách mạng Campuchia ngày 11/1/1979.

Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia hồi sinh và lên đường về nước. ẢNH: TTXVN

Chỉ trong gần 4 năm cầm quyền (1975 - 1978), chế độ diệt chủng Pol Pot đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, đẩy Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong.

Về đối ngoại, Pol Pot đã xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc, cho quân gây rối, xâm lấn lãnh thổ nước ta trên vùng biển biên giới Tây Nam. Chúng đưa quân đánh chiếm đảo Thổ Chu và một số đảo khác ở khu vực Tây Nam của Việt Nam.

Sau hàng trăm cuộc gây hấn, xâm lấn và sát hại nhân dân ta trên tuyến biên giới từ năm 1975, đến ngày 23/12/1978, tập đoàn Pol Pot đã tập trung nhiều sư đoàn mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Đi đến đâu chúng cũng tàn phá làng mạc, cướp bóc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt là vụ thảm sát Ba Chúc vào ngày 25/12/1978 sát hại hơn 3.000 dân thường Việt Nam.

Trước sự ngông cuồng của kẻ thù, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiềm chế và kiên trì thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, nhưng tập đoàn Pol Pot càng lấn tới. Đỉnh điểm là ngày 23/12/1978, Pol Pot huy động 10 trong 19 sư đoàn đang bố trí ở biên giới chuẩn bị tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta.

NGHĨA VỤ QUỐC TẾ CAO CẢ

Để chống trả hành động xâm lược của Pol Pot và đáp lại lời khẩn cầu của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, quân ta cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tổ chức tổng phản công, tiến công trên toàn tuyến biên giới.

Ngày 16/11/2018, Phiên tòa Bất thường trong hệ thống Tòa án của Campuchia dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc đã chính thức ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của chế độ Pol Pot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại. Phán quyết này đã trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát bởi bè lũ diệt chủng Pol Pot và khẳng định tính chính nghĩa, sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi Pol Pot, thu hồi toàn bộ lãnh thổ của Tổ quốc bị Pol Pot xâm lấn. Những ngày tiếp theo, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến công thẳng vào sào huyệt của quân phản động Pol Pot, giải phóng thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 7/1/1979, giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng.

Ngày 8/1/1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và đề nghị quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng. Đáp lại yêu cầu của bạn, trong 10 năm sau đó (1979-1989), cùng với hoạt động quân sự, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất giúp phục hồi kinh tế...

Trong cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt đó, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh, hoặc để lại một phần máu thịt của mình trên các chiến trường. Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin từng nói: “Sự giúp đỡ bằng xương máu của quân tình nguyện Việt Nam là sự giúp đỡ nhân đạo và đúng đắn nhất. Sự hỗ trợ này lẽ ra phải là nghĩa vụ chính yếu của cộng đồng quốc tế trong việc cứu giúp một dân tộc đang trong hoạn nạn bởi chính sách diệt chủng có tổ chức chính quy từ trên xuống dưới của chế độ Pol Pot”. Còn Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng từng khẳng định: “Quân dân Campuchia nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì không thể giải phóng nhanh đến thế. Nếu Campuchia tự giải phóng thì dân Campuchia chết hết rồi”.

Ngày Quân tình nguyện Việt Nam về nước, báo Pro-chia-chuôn của Campuchia ra ngày 29/6/1989 đã viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi.”

Sau khi dân tộc Campuchia thoát được họa diệt chủng, hồi sinh, nhiều công trình ghi nhớ công ơn của Quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam cùng quân dân Campuchia chiến đấu, hy sinh đã được Chính phủ hai nước xây dựng cả ở 2 nước, là những biểu tượng cao đẹp của quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia

X.THIÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202401/ky-niem-45-nam-ngay-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-cua-to-quoc-va-cung-quan-dan-campuchia-chien-thang-che-do-diet-chung-711979-712024-bao-ve-toan-ven-lanh-tho-giup-ban-thoat-hoa-diet-c8635b8/