Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các đối tượng điều chỉnh

Cho phép HĐND cấp tỉnh được quy định hiệu lực trở về trước đối với các nghị quyết quy phạm pháp luật (QPPL) do HĐND cấp tỉnh ban hành, trong trường hợp những quy định đó nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tượng điều chỉnh của văn bản QPPL; quy định cụ thể hơn trách nhiệm và thời gian thực hiện đối với từng cơ quan, tổ chức liên quan từ khâu đề nghị xây dựng nghị quyết đến khi nghị quyết được chính thức ban hành; bổ sung nội dung quy định Ban HĐND phải thẩm tra đề nghị xây dựng nghị quyết trước khi Thường trực HĐND xem xét, quyết định…

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Đồng Tháp chủ trì cuộc họp thẩm tra văn bản trình trước Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh. Ảnh: THANH TRÚC

Đó là những kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp trong Báo cáo đánh giá việc thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL và kiến nghị đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

Cho phép HĐND cấp tỉnh được quy định hiệu lực trở về trước

Từ thực tiễn hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp cho rằng quy định các cấp chính quyền địa phương không được quy định hiệu lực trở về trước đã gây khó khăn không ít đối với công tác ban hành các chính sách hỗ trợ mang tính chất đặc thù của địa phương. Bởi vì, có nhiều mô hình phát triển kinh tế tư nhân rất hiệu quả đã được hình thành và phát triển, chính quyền địa phương muốn hỗ trợ để tạo nguồn lực cho họ tiếp tục phát triển nhưng sau khi chính sách hỗ trợ được ban hành thì không thể thực hiện hỗ trợ được vì nghị quyết QPPL không được quy định hiệu lực trở về trước (mô hình đã hoàn thiện trước khi chính sách được ban hành nhưng thực tế chủ đầu tư vẫn rất cần nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước). Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản QPPL theo hướng cho phép HĐND cấp tỉnh được quy định hiệu lực trở về trước đối với các nghị quyết QPPL do HĐND cấp tỉnh ban hành, trong trường hợp những quy định đó nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tượng điều chỉnh của văn bản QPPL.

Thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL của HĐND cấp tỉnh, từ ngày 1.7.2016 đến nay, HĐND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều văn bản QPPL, các dự thảo văn bản được soạn thảo bảo đảm tính phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ bản bảo đảm tính phù hợp về thẩm quyền và nội dung. Các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và sự thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn dự thảo nghị quyết dự kiến trình HĐND chưa đạt chất lượng nên phải tiếp tục hoàn thiện để trình lại tại kỳ họp sau; một số dự thảo nghị quyết dù đã được lấy ý kiến nhưng chưa nhận được nhiều ý kiến góp ý hoặc chỉ thống nhất với dự thảo, đến khi nghị quyết được ban hành thì phát sinh khó khăn trong tổ chức thực hiện; một số cơ quan có trách nhiệm trình dự thảo nghị quyết chưa bảo đảm yêu cầu về mặt thời gian, nhiều trường hợp gửi dự thảo nghị quyết để thẩm tra chậm hơn so với quy định.

Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm và thời gian thực hiện đối với từng cơ quan, tổ chức có liên quan từ khâu đề nghị xây dựng nghị quyết đến khi nghị quyết được chính thức ban hành.

Ban HĐND phải thẩm tra đề nghị xây dựng nghị quyết

Đối với quy định lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND như hồ sơ, đánh giá tác động cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, quy định việc lập đề nghị xây dựng nghị quyết chỉ thật sự phù hợp trong trường hợp ban hành các chính sách đặc thù của địa phương (khoản 4 Điều 27 của Luật); việc lập đề nghị xây dựng nghị quyết trong các trường hợp còn lại (khoản 1, 2, 3 Điều 27 của luật) là không cần thiết vì việc ban hành nghị quyết trong các trường hợp này chủ yếu thực hiện theo quy định pháp luật (trách nhiệm của địa phương phải ban hành nghị quyết để thực hiện những nội dung đã được luật giao).

Thường trực HĐND tỉnh Đồng Tháp đề xuất không quy định việc lập đề nghị xây dựng nghị quyết trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản QPPL; chỉ quy định việc lập đề nghị xây dựng nghị quyết trong trường hợp thực hiện theo khoản 4 Điều 27 của Luật. Tuy nhiên, cần xem xét để quy định các bước lập đề nghị xây dựng nghị quyết theo hướng đơn giản trình tự, thủ tục thực hiện và bảo đảm không trùng lặp với các bước xây dựng dự thảo nghị quyết. Cần bổ sung nội dung quy định Ban của HĐND phải thẩm tra đề nghị xây dựng nghị quyết trước khi Thường trực HĐND xem xét, quyết định.

Đối với các bước trong quy trình lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND, cần xem xét để quy định các bước lập đề nghị xây dựng nghị quyết theo hướng đơn giản hơn trình tự, thủ tục thực hiện và bảo đảm không trùng lặp với các bước xây dựng dự thảo nghị quyết.

Nguyễn Nhật

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bao-v%E1%BB%87-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%A3i-%C3%ADch-ch%C3%ADnh-d%C3%A1ng-c%E1%BB%A7a-c%C3%A1c-d%E1%BB%91i-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-di%E1%BB%81u-ch%E1%BB%89nh-i362515/