Bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi

Chiều 20/3, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2023.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị.

Qua 5 năm triển khai Đề án, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lực lượng nghệ nhân, cộng đồng nhân dân, sự hưởng ứng tích cực của các trường học trên địa bàn. Từ năm 2019 - 2023, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức nhiều lớp tập huấn hát Bài Chòi, đặc biệt đưa di sản Bài Chòi vào trường học, nhằm trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Sở tiếp tục duy trì, phát triển nhiều câu lạc bộ Bài Chòi với nhiều hình thức, nội dung sinh hoạt phong phú; tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật Bài Chòi trong các lễ hội, dịp lễ tết.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê sưu tầm các làn điệu Bài Chòi có nguy cơ mai một, thất truyền được đẩy mạnh. Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật trên địa bàn với hơn 300 câu hò, đoạn trích về các quân Bài Tới; thành lập ban biên tập biên soạn ấn phẩm “Hò Bài Chòi Huế”, giới thiệu đến bạn đọc những câu hò thường được các nghệ nhân sử dụng trong ngày Hội Bài Chòi ở Thừa Thiên - Huế.

Trình diễn di sản nghệ thuật Bài Chòi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi, ngành Văn hóa xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030”. Ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc sưu tầm, kiểm kê, hệ thống hóa về di sản nghệ thuật Bài Chòi.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa di sản này trong cộng đồng; nâng cao hiệu quả chương trình đưa di sản Bài Chòi vào trường học; xây dựng đội ngũ nghệ nhân có chất lượng, đào tạo đội ngũ kế cận để tiếp nối, phát huy giá trị; tổ chức nhiều sân chơi, cuộc thi liên quan; đặc biệt đưa nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút du khách nhằm bảo tồn, phát huy phù hợp đặc trưng, bản sắc của di sản nghệ thuật Bài Chòi Thừa Thiên - Huế.

5 tập thể được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tặng Bằng khen 5 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi.

Ngày 7/12/2017, di sản nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/bao-ve-phat-huy-gia-tri-di-san-nghe-thuat-bai-choi-20240320200844518.htm