Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng là mối nguy hại lớn đối với môi trường, sức khỏe con người. Đối với Sơn La, tỉnh có diện đất sản xuất nông nghiệp lớn thì việc thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV là một trong những vấn đề được quan tâm thực hiện, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân.

Vùng trồng cây mận hậu tại thung lũng Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Kết quả bước đầu

Với hơn 320 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, lượng thuốc BVTV sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm tại tỉnh ta từ 400-500 tấn, kèm theo đó, lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thải ra môi trường từ 30-40 tấn/năm. Tuy nhiên, trước đây, nhận thức, ý thức của một số người sử dụng thuốc BVTV chưa đầy đủ, vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng còn vứt trên đồng ruộng, nương làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, gây nguy hại đến sức khỏe cho người dân.

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Sau 3 năm thực hiện Đề án, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về chất thải nguy hại; từng bước hình thành thói quen thu gom tại các vùng sản xuất tập trung. Đến nay, đã xây dựng và lắp đặt 5.122 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các vùng canh tác tập trung và địa bàn các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổ chức hơn 300 lớp tập huấn, hội thảo nâng cao nhận thức người dân trong việc thu gom, quản lý, xử lý bao bì thuốc BVTV cho hơn 10.000 lượt người. Hàng năm, các huyện, thành phố đã tổ chức phát động đợt ra quân thu gom bao gói thuốc BVTV, tập trung các khu vực đầu nguồn nước, vùng sản xuất nông nghiệp thường xuyên sử dụng thuốc BVTV; tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý 40 tấn vỏ bao gói thuốc theo quy định...

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tuyên truyền người dân xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu sử dụng thuốc BVTV đúng cách.

Tại huyện Mộc Châu, thực hiện Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp thu gom về đúng nơi quy định. Tổ chức ký cam kết trong việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc và đúng cách), “5 quy tắc vàng” (sử dụng theo bốn đúng và luôn chú ý phòng ngừa; đọc hiểu và thực hiện đúng nhãn thuốc; mặc quần áo bảo hộ lao động; cẩn thận khi phun thuốc và bảo dưỡng tốt bình bơm; thực hiện vệ sinh cá nhân), giúp người dân hiểu tác hại của việc vứt bừa bãi bao gói thuốc BVTV làm ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu, cho biết: Trung tâm đã phối hợp với các xã, HTX lựa chọn các địa điểm thuận lợi, xây 375 bể chứa vỏ bao thuốc BVTV ở các xã, thị trấn. Từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức thu gom được hơn 24 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV. Mô hình bể chứa thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thực sự phát huy tác dụng, được người dân và các HTX đồng tình ủng hộ, góp phần hạn chế tình trạng vứt bừa bãi bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng ra kênh mương, ruộng đồng, đồi cây ăn quả làm ảnh hưởng tới môi trường.

Còn tại huyện Yên Châu, việc thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV cũng được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Ông Trần Như Kiên, HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, chia sẻ: HTX hiện có hơn 100 ha cây ăn quả. Chúng tôi bảo nhau thực hiện nghiêm việc thu gom vỏ bao thuốc về đúng nơi quy định. Đồng thời, sử dụng thuốc BVTV tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Bên cạnh đó, HTX đã chuyển sang sử dụng các loại thuốc vi sinh, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.

Những khó khăn, vướng mắc

Cùng với những tín hiệu tích cực, việc quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, chia sẻ: Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 5.122 bể chứa được xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước (đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật do người dân sử dụng). Đối với vỏ bao gói thuốc BVTV phát sinh do người dân sử dụng, hàng năm, diện tích cây trồng thường xuyên sử dụng thuốc BVTV của người dân là khoảng 150.000 - 200.000 ha. Theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLL-BNNPTNT-BTNMT về việc hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, tối thiểu phải có 1 bể chứa trên diện tích 10 ha đất canh tác cây trồng có sử dụng thuốc BVTV. Như vậy, để đáp ứng cơ bản nhu cầu thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV, tối thiểu phải có khoảng 15.000-20.000 bể chứa.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn người dân bản Suối Khoang, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu chăm sóc cây trồng.

Hiện nay, toàn tỉnh chưa có khu vực lưu chứa trung chuyển, tập kết tại các huyện hoặc liên xã, vì vậy, tại một số bể chứa, khi vỏ bao gói thuốc BVTV được gom đầy, người dân phải để ra ngoài ảnh hưởng đến môi trường; quá trình vận chuyển từ các bể đi xử lý phải tập trung tại các điểm chưa đảm bảo an toàn theo quy định. Các văn bản QPPL về quản lý chất thải nguy hại (vỏ bao gói thuốc BVTV) đã được các cơ quan Trung ương ban hành tương đối đầy đủ (Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT, Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT) trong đó đã có quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thu gom, vận chuyển, kinh phí xử lý chất thải nguy hại (bao gói thuốc BVTV sau sử dụng). Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện chưa có đơn vị thực hiện công tác thu gom, tiêu hủy, đều phải thuê đơn vị ngoài tỉnh. Quá trình triển khai thực hiện của các huyện, thành phố chủ yếu huy động sự tham gia của các đoàn thể, nông dân, chưa có tính ổn định, ngân sách cho việc xử lý còn hạn chế...

Giải pháp thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV

Ngày 22/11/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2858 phê duyệt Đề án quản lý, thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về thuốc BVTV. Phấn đấu xây dựng đạt từ 5.000 bể trở lên. Trên cơ sở phân bố địa hình, diện tích cây trồng tại các huyện, thành phố bố trí 11 khu vực lưu chứa thuốc BVTV, trong đó: Thành phố Sơn La và huyện Mường La sử dụng kho lưu chứa tại bản Pát, xã Chiềng Ngần, Thành phố để lưu chứa, trung chuyển và tập kết vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Các huyện còn lại mỗi huyện bố trí xây dựng 1 khu lưu chứa, trung chuyển và tập kết vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Đối với bao gói phát sinh trên đồng ruộng do người dân sử dụng, định kỳ vận chuyển tối thiểu 6 tháng/lần bao gói thuốc BVTV tại các bể chứa được đóng gói về khu vực lưu chứa hoặc điểm tập kết để đi xử lý. Việc vận chuyển bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh đến nơi xử lý được thực hiện thông qua hợp đồng giữa chủ nguồn chất thải nguy hại với cơ quan, đơn vị xử lý chất thải nguy hại (được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại). Tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng với các đơn vị có đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Định kỳ thực hiện kiểm tra, hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng...

Thùng chứa bao, gói thuốc BVTV tại HTX Ngọc Lan, huyện Mai Sơn.

Phấn đấu ít nhất 70% số bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của hộ gia đình cá nhân, HTX, liên hiệp HTX được thu gom vào các bể chứa tại các vùng canh tác sản xuất nông nghiệp của tỉnh. 100% số bao gói thuốc BVTV sau sử dụng của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp được thu gom vào các bể chứa. 100% các tổ, bản, tiểu khu, HTX sản xuất nông nghiệp, khu vực canh tác nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh có bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Xây dựng và hoàn thiện 100% các khu lưu chứa trung chuyển, tập kết bao gói BVTV trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được nhu cầu thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng thuốc BVTV đúng cách; xử lý bao gói an toàn đúng quy định, tạo tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo môi trường xanh, sạch và bảo đảm tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Việt Anh, Huy Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/bao-ve-moi-truong-trong-san-xuat-nong-nghiep-48186