Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, kế thừa và tôn vinh văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đình Tĩnh Luyện, huyện Tam Dương - di tích lịch sử cấp tỉnh được khôi phục bằng nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân địa phương

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ chú trọng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể bao gồm các di tích được Nhà nước xếp hạng các cấp (quốc gia đặc biệt, quốc gia, cấp tỉnh), các di tích trong danh mục kiểm kê đã được phê duyệt, công bố; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh; các thiết chế văn hóa tỉnh như Bảo tàng, Văn Miếu tỉnh gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Cùng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được kiểm kê, công bố trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể tỉnh.

Hiện, ngành Văn hóa đang triển khai kiểm kê, công bố danh mục di tích theo Kế hoạch số 153/KH-UBND của UBND tỉnh và lập bản đồ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc.

Trên cơ sở di tích đã được xếp hạng, hằng năm, triển khai thực hiện lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt, cụm di tích quốc gia, cụm di tích cấp tỉnh có giá trị tiêu biểu, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội hoặc phục vụ phát triển du lịch theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan để bảo quản và phát huy giá trị di tích.

Trong giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, các kế hoạch của UBND tỉnh về tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển bền vững.

Triển khai các nội dung bảo tồn, phát huy giá trị di sản đối với từng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh như tổ chức giới thiệu, quảng bá di sản bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Bảo tồn khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa tại hệ thống thiết chế văn hóa, trong đó có các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, hệ thống thiết chế văn hóa nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch, xây dựng các điểm du lịch gắn với di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu, các làng nghề truyền thống; đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa Vĩnh Phúc qua các mẫu mã quà tặng, quà lưu niệm, hàng hóa có hình ảnh, biểu tượng của các di tích, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng các sản phẩm ẩm thực truyền thống - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể của Vĩnh Phúc.

Xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện số hóa dữ liệu về di sản văn hóa; lập dự án xây dựng dữ liệu số trong trưng bày Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng số. Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại các di tích trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Di sản văn hóa qua các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý gắn với phổ biến, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng tham gia bảo vệ, tôn tạo, phát huy các giá trị của di sản văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội, tạo nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và truyền thống văn hiến của dân tộc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/71456/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-tren-dia-ban-tinh.html