Bảo tồn điệu múa cổ của dân tộc Sán Chay

Dân tộc Sán Chay chỉ chiếm 2,8% dân số của tỉnh Thái Nguyên nhưng lại có kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc. Bên cạnh hệ thống truyện cổ tích, hát sình ca, đồng bào Sán Chay ở Thái Nguyên đang lưu giữ điệu múa tắc xình-một nét văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc mình.

Nỗ lực phục dựng điệu múa cổ

Nằm ven đường cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn), xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên) hiện ra với những mái nhà sàn lợp cọ. Cánh đồng Ao Mon dẫn vào xóm, lúa đương thì con gái. Gối bên cạnh là các triền núi Cắm Mốc, núi Đình nhấp nhô những nương chè, rừng cọ. Đi cùng tôi, ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương tâm sự: "Múa tắc xình là nội dung không thể thiếu trong lễ hội cầu mùa của đồng bào Sán Chay. Ở Đồng Tâm, nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên trách văn hóa và nhiệt tình truyền dạy của các nghệ nhân, điệu múa cổ này vẫn được lưu giữ nguyên trạng".

Tại Nhà văn hóa xóm Đồng Tâm, Nghệ nhân Ưu tú Hầu Thanh Tĩnh đang cùng đội múa của xóm luyện tập. Tiếng nhạc vang lên rộn ràng "tắc tắc xình, tắc tắc xình, tắc xình" như muốn đánh thức không gian yên tĩnh của làng quê. Nhạc cụ chính của múa tắc xình là bộ gõ bằng tre, nứa. Ngoài ra, đồng bào Sán Chay còn làm một chiếc trống đặc biệt để sử dụng trong điệu múa. Người dân đào một hố sâu, trên miệng hố phủ một miếng vỏ rất dai từ cây trẹo. Một sợi dây rừng được căng ngang mặt hố rồi lấy que nhỏ chống lên ở đúng trung tâm hố đất. Người sử dụng chỉ cần dùng chiếc que nhỏ gõ vào sợi dây tạo nên các âm thanh theo ý định. Người nghe có thể cảm nhận rõ những thanh âm lách cách của bộ gõ, thâm trầm của trống đất, vang rền của kèn mang đậm tính nguyên sơ trong âm nhạc của điệu múa cổ.

Người dân Sán Chay ở xóm Đồng Tâm (xã Tức Tranh) luyện tập điệu múa cổ tắc xình.

Buổi tập bắt đầu với "thăm đường", điệu múa mở đầu trong 9 điệu cơ bản của múa tắc xình. Hai người đàn ông trong trang phục thầy cúng từ hai bên bước ra theo nhịp, tay cầm quả chuông đồng buộc liền với dải dây đai ngang lưng. Theo nhịp gõ, chân phải làm trụ, chân trái nhấc cao, tay rung chuông, nhảy song song một lượt lên phía trước rồi quay xuống vị trí gặp nhau ban đầu. Tiếp đó, hai người lần lượt nhảy, cứ một lần quay mặt vào nhau lại một lần quay lưng vào nhau. Động tác thể hiện sự khỏe khoắn nhưng không kém phần uyển chuyển, mềm mại của người nhảy. Thể hiện việc quan sát thế giới bước đầu công cuộc chinh phục, khai phá thiên nhiên.

"Thăm đường" và các điệu cơ bản khác của múa tắc xình chỉ diễn ra trong 20 phút một bài, nhưng để phục dựng được như nguyên gốc, ông Bùi Quang Sơn đã phải mất gần 10 năm miệt mài nghiên cứu. Từ năm 1996, ngay khi nhận công tác ở Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương, ông Sơn trực tiếp gặp gỡ các nghệ nhân Vi Văn Cài, Trần Văn Thảo (xóm Pháng 3, xã Phú Đô), Hầu Văn Đạo, Hầu Thanh Tĩnh (xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh). Sau những ngày khảo sát, thu thập tư liệu, ông Sơn tiếp tục nhờ các nghệ nhân nhận xét, góp ý, qua đó tiến hành phục dựng hoàn chỉnh các động tác của điệu múa. Năm 2005, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với UBND huyện Phú Lương tổ chức phục dựng lễ hội cầu mùa của người Sán Chay. Trong đó, múa tắc xình là một nội dung được phục dựng nguyên gốc và trình diễn tại lễ hội.

Truyền dạy cho thế hệ trẻ

Trong nhóm luyện tập múa tắc xình ở Đồng Tâm, theo quan sát của tôi, trong khi chỉnh bộ gõ là những nghệ nhân có tuổi đời cao, có kinh nghiệm thì thực hành trình diễn múa lại là người trẻ, nhanh nhẹn. Anh Hầu Văn Tuân, sinh năm 1988 là con trai út của nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh. Đang làm việc ở TP Thái Nguyên, cuối tuần anh vẫn tranh thủ về nhà học múa tắc xình, dù bước nhảy còn chưa uyển chuyển như người cha nhưng anh Tuân cũng đã thuộc lòng các điệu cơ bản. Anh tâm sự: "Từ nhỏ, tôi và các anh chị đã được bố mẹ dạy những động tác cơ bản của điệu múa tắc xình. Dù có nhiều động tác khó phải tập đi tập lại nhiều lần nhưng tôi vẫn quyết tâm không bỏ giữa chừng. Vì đây là điệu múa cổ của dân tộc, nên tôi rất thích học để hiểu và giới thiệu cho các bạn của mình".

Thế hệ trẻ dân tộc Sán Chay ở Phú Lương đang là lực lượng tích cực trong bảo tồn điệu múa tắc xình. Theo ông Bùi Quang Sơn, từ năm 2014, UBND huyện Phú Lương đã đưa múa tắc xình vào chương trình hoạt động ngoại khóa trong các nhà trường trên địa bàn huyện. Nghệ nhân được nhà trường mời về truyền dạy cho các em những kỹ thuật cơ bản của điệu múa, đồng thời giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa trong bước nhảy độc đáo của dân tộc.

Nói về công tác bảo tồn di sản điệu múa tắc xình, ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Huyện Phú Lương là đơn vị đi đầu trong công tác bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, huyện có 66 nghệ nhân thường xuyên truyền dạy điệu múa cổ tại các xóm bản. Đã có 6 trường học trên địa bàn huyện Phú Lương thành lập câu lạc bộ nhảy tắc xình với 126 học sinh đang tham gia luyện tập múa định kỳ"./.

Bài và ảnh: NGUYÊN ĐỨC

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/bao-ton-dieu-mua-co-cua-dan-toc-san-chay-517683