Bảo tồn cây chè quý (Kỳ 1)

Kỳ 1: Đi tìm chè shan tuyết cổ

ThienNhien.Net – Ở độ cao trên dưới 2.000 m so với mực nước biển, bản Phìn Hồ thuộc xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang còn lưu giữ được khoảng 150 ha chè shan tuyết với những gốc cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những người trồng chè ở Phìn Hồ nói rằng: “chính độ cao và khí hậu đặc thù đã tạo nên thương hiệu đặc sản chè shan tuyết Hà Giang”. Và cũng nhờ cây chè từ thời ông cha để lại mà cuộc sống của đồng bào người Dao đỏ đã khấm khá hơn. Chúng tôi cảm nhận được phần nào điều đó qua một dịp theo chân bà con dân bản lên thăm “rừng chè”.

Khám phá chè shan từ huyền thoại

Để lên được bản Phìn Hồ, chúng tôi đã phải đánh vật với cung đường phần lớn là dốc và nhiều khúc cua từ thành phố Hà Giang. Con đường nhỏ chạy bao quanh sườn núi mà mấy anh em tôi vẫn nói vui rằng nhìn từ xa chẳng khác nào lối chuột chạy. Quãng đường tuy chỉ dài quãng 60 cây số nhưng cũng mất trọn ba tiếng đồng hồ chạy xe máy. Sau bao nỗ lực và háo hức, cuối cùng chúng tôi cũng leo lên được vùng chè cổ thụ. Từ trên đỉnh đồi, những nương chè thoắt ẩn thoắt hiện trong màn sương bao phủ trải dài mênh mông khiến bất cứ ai đặt chân tới vùng đất này cũng có cảm giác tựa như đang tọa lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh.

Theo lời của ông cụ Lý Chòi Hin ở thôn Phìn Hồ túc – mặc dù năm nay đã ở vào cái tuổi xấp xỉ thất thập cổ lai hy nhưng bản thân ông cũng không nhớ nổi cây chè ở đây đã có tự bao giờ. Ông cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, đường khó đi lắm, tôi thường mang chè xuống miền xuôi để đổi lấy muối về ăn. Nhiều cây chè cao quá tôi còn phải dùng thang leo lên để hái. Mấy đời nhà tôi đã sống cùng với cây chè như vậy đấy”.

Cũng như ông Hin, các bậc cao niên trong thôn cũng không thể xác định được cây chè shan tuyết cổ thụ có từ khi nào. Họ chỉ biết khi mình sinh ra thì đã thấy những cây chè cổ thụ to lớn như thế. Có nhiều cây một người ôm không xuể, có cây cao hơn hai chục mét.

Tìm lại được nguồn cội thực của cây chè cổ quả thực khó, tuy nhiên theo câu chuyện truyền miệng mà bà con người Dao đỏ vẫn thường kể cho nhau thì ngày xưa, cây chè tự mọc và sống cheo leo trên núi, con người không thể trèo hái. Họ có được hạt giống là nhờ những chú khỉ rừng bặt vứt vung vãi, họ nhặt về đem trồng. Sau này, phát hiện ra rằng những búp non của chè là một phương thuốc quý vì khi uống vào thì có cảm giác dễ chịu, bớt đi mệt mỏi. Thế rồi, mỗi lần dời nhà đi tìm nơi phát rẫy, làm nương, người dân lại mang theo hạt chè và trồng ở nơi mình sống. Rừng chè bạt ngàn ra đời từ đó.

Cũng như người Dao, người Mông ở vùng chè cổ thuộc xã Tả Sử Choóng cũng quan niệm chè là một loại cây thuốc quý. Họ gọi cây chè là sùa ziề, sùa nghĩa là cây thuốc, ziề là chè. Truyền thuyết của người Mông nói rằng, ngày xưa có hai vợ chồng đi tìm vùng đất mới để sinh sống, đi đến Tả Sử Choóng, họ dừng lại nghỉ chân nấu một nồi nước dưới tán gốc cây to, vô tình một chiếc lá rơi vào nồi nước, khi uống bỗng thấy trong người tỉnh táo và mọi mỏi mệt tan biến. Hai vợ chồng cho đây là điềm lành nên dựng nhà cửa, gọi cây cổ thụ đó là cây thuốc, trồng rộng ra khắp vùng và phát triển thành vùng chè cổ như ngày nay.

Nếu có dịp đứng giữa bạt ngàn rừng chè shan cổ thụ giữa đỉnh mây trời non nước, hẳn bạn cũng sẽ cảm nhận được sức sống lan tỏa từ những câu chuyện dù chỉ là huyền thoại ấy.

Những cây chè cổ đầu tiên chúng tôi gặp có đường kính khoảng hai người ôm, cao tít tắp. Nhìn từ xa, thật khó để nhận biết đó là chè bởi cả vạt rừng cũng chỉ toàn màu xanh thẫm, như bao cánh rừng bình thường khác. Dù đã được chứng kiến nhiều cây chè cổ thụ, nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy những thân chè cao lớn đến thế. Những gốc chè bám đầy địa y mọc san sát nhau, gốc nào cũng phủ đầy rêu mốc xanh rì. Dưới tán là dương xỉ mọc đua chen.

Già làng Triệu Chòi Xinh bảo rằng, quanh dãy Tây Côn Lĩnh đều có cây chè cổ, ở vùng thấp hơn cây chè còn cao vút chứ độ cao từ 2.000m đổ lên đỉnh núi thì càng lên cao cây càng nhỏ và thấp dần đi. Từ lâu, rừng chè cổ đã trở thành nơi hò hẹn và nên duyên của biết bao đôi trai gái. Nam thanh nữ tú người Dao khi đến tuổi cập kê cũng thường cất lên những lời ca tình tứ mỗi khi lên nương hái chè. Còn với những người phụ nữ đứng tuổi, tiếng hát trên nương chè giúp họ gửi gắm tâm tư và xoa vợi nỗi buồn trong cuộc sống.

Làm sống lại vùng chè cổ thụ

Từ Làng chè Phìn Hồ, chúng tôi đi dọc theo dãy Tây Côn Lĩnh để tìm hiểu về công tác bảo tồn và phát triển chè cổ, nơi nổi danh với những vùng chè đại thụ như Nậm Ty, Nậm Dịch, Hồ Thầu, Bản Péo, Bản Luốc, Tả Sử Choóng, Nam Sơn… của huyện Hoàng Su Phì.

Thật đáng buồn khi biết rằng từ những năm 2003-2007, những gốc chè hai, ba người ôm đã bị bà con đốn hạ, xẻ thành ván bán làm nhà hoặc bán lại cho thương lái chuyển qua bên kia biên giới. Cho tới giờ, bà con cũng chẳng biết thương lái thu mua chúng để làm gì. Nhiều người làm chè tâm huyết ở Hoàng Su Phì cũng đau xót lắm nhưng không biết làm gì hơn.

Cây chè là của dân, dân cần tiền, có kẻ mua ắt có người bán. Đến Luật Bảo vệ rừng do Nhà nước ban hành cũng không thể ngăn được việc chặt hạ chè vì đó vốn là cây công nghiệp. Chính kẽ hở này đã khiến không ít kẻ xấu lợi dụng, hối thúc thu mua gỗ rừng trồng (mà ở vùng chè thì chủ yếu thân gỗ cây chè cổ là có sẵn), hệ quả là số gốc chè cổ thụ ở Hà Giang ngày càng thưa giảm.

Theo kinh nghiệm của bà con trồng chè, một gốc chè có đường kính 20 -30 cm thì tuổi thọ cũng phải từ 60 – 80 năm, thân cây lớn nữa thì cũng có thể đến vài trăm năm tuổi. Việc bảo tồn, gìn giữ, và phát triển cây chè cổ ở Hoàng Su Phì nói riêng và Hà Giang nói chung hiện vẫn bị bỏ ngỏ bởi hành lang pháp lý để bảo vệ chè không có, cũng chẳng có bất cứ ràng buộc gì giữa chủ nhân của cây chè với địa phương. Đây cũng chính là điểm yếu khiến kẻ xấu lợi dụng, phá hoại một loài cây quý mà rất nhiều nước sản xuất chè trên thế giới muốn sở hữu. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cây chè già cỗi, không chịu nổi sự khắc nghiệt của thời tiết nên thân dần bị mục ruỗng và chết.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả về không gian, thời gian, và nhu cầu cuộc sống trước mắt, một số vườn chè cổ thụ vẫn được cộng đồng dân tộc thiểu số gìn giữ cho đến tận ngày nay. Nhận thức được chè shan cổ không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn giá trị về mặt văn hóa du lịch, những năm gần đây, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã quy hoạch vùng chè shan tuyết và xác định đây là cây công nghiệp mũi nhọn góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đến nay, tính riêng huyện Hoàng Su Phì, vùng tập trung cao nhất số gốc chè cổ thụ đã có tới 21/25 xã, thị trấn trồng chè với tổng diện tích lên tới 4.011,3 ha, trong đó diện tích chè shan cổ cho thu hoạch là 3.162,9 ha.

Ông Hoàng Hải Lý, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, huyện đã xây dựng đề án quy hoạch phát triển cây chè, có chính sách hỗ trợ trồng mới, trồng dặm, hỗ trợ hạt chè giống, hỗ trợ túi bầu gieo ươm…, phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện nâng diện tích chè lên 4.530 ha. Huyện cũng vận động bà con tuyệt đối không dùng chất hóa học hay các chất kích thích khác trong trồng chè.

Định hướng mở rộng diện tích chè hiện có, đồng thời bảo vệ và giữ gìn vườn chè shan cổ thụ đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bà con bởi nó không chỉ đem lại giá trị kinh tế trước mắt mà về lâu dài đây sẽ là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách tới thăm quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của rừng chè độc đáo này.

Cùng với ruộng bậc thang và làng văn hóa du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc, những đồi chè cổ thụ cũng được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm nhấn hấp dẫn cho ngành du lịch Hà Giang.

Nguồn Thiên Nhiên: http://www.thiennhien.net/2012/03/19/bao-ton-cay-che-quy-ky-1/