Bảo toàn diện tích đất trồng lúa

(baodautu.vn) Giữ diện tích đất trồng lúa và điều chỉnh diện tích đất khu công nghiệp là hai nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia.

Thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giữ diện tích đất trồng lúa đến năm 2020 ở mức 3,81 triệu ha, đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) khẳng định, đây là việc làm cần thiết, không chỉ góp phần ổn định an ninh lương thực, mà còn là trách nhiệm đối với con cháu mai sau.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Kha, việc diện tích đất trồng lúa giảm 308.000 ha so với năm 2010, trong khi vẫn đặt ra nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, thì Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh thâm canh, nâng hệ số sử dụng đất cao hơn.

Lo lắng về khả năng mất diện tích đất bờ xôi, ruộng mật, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, cần sớm tiến hành điều tra phân loại hạng đất trong khu vực đất trồng lúa và kế hoạch phân giao trách nhiệm cho từng địa phương.

Lo ngại của đại biểu Đương là có cơ sở, bởi thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được mệnh danh là vựa lúa của cả nước, lại có tốc độ giảm khá nhanh. Cụ thể, TP.HCM giảm 2.700 ha/năm, Tây Ninh giảm 3.100 ha/năm, Cà Mau giảm 6.200 ha/năm, Bạc Liêu giảm 5.400 ha/năm, Sóc Trăng giảm 4.100 ha/năm... “Các vùng đất lúa 2 - 3 vụ tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng cần phải giữ bằng được. Do hệ số sinh lời từ trồng lúa thấp, nên Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ để các địa phương giữ được diện tích đất quý giá này”, đại biểu Đỗ Văn Đương đề xuất.

Trước đó, theo Tờ trình của Chính phủ, dự báo đến năm 2020, dân số nước ta khoảng 100 triệu người và sẽ dần đi vào ổn định khoảng 120 triệu người. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia (bao gồm ăn, dự trữ, chăn nuôi, giống, chế biến, hao hụt…), tổng lượng lương thực cho các nhu cầu của cả nước cần khoảng 47 triệu tấn; diện tích lúa gieo trồng cần tối thiểu khoảng 7,3 triệu ha, với hệ số sử dụng đất 1,9 - 2 lần, năng suất lúa bình quân đạt 64 tạ/ha. Việt Nam còn là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ làm ảnh hưởng đến diện tích đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu quy hoạch diện tích đất trồng lúa nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu, thì quy hoạch diện tích đất dành cho khu công nghiệp lại nhận được không ít phản biện. Theo đại biểu Lê Văn Thắng (Đà Nẵng), việc tăng diện tích khu công nghiệp từ 72.000 ha năm 2010 lên 200.000 ha vào năm 2020 cần được tính toán, cân nhắc hiệu quả kinh tế - xã hội.

“Việc phê duyệt dự án xây dựng các khu công nghiệp mới cần căn cứ vào tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trong phạm vi địa phương và các vùng lân cận. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp chỉ đạt 76%%, các khu kinh tế ven biển chỉ đạt 15%. Điều này cho thấy, chúng ta đang rất lãng phí tài nguyên đất”, đại biểu Thắng đánh giá.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Chính phủ, việc quy hoạch diện tích đất khu công nghiệp là 200.000 ha nhằm đảm bảo đủ quỹ đất cho mục tiêu công nghiệp hóa, tránh tình trạng khi phát triển khu công nghiệp phải chi phí nhiều cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Chính phủ sẽ căn cứ quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, chỉ bố trí phát triển mở rộng, quy hoạch mới đối với những khu công nghiệp, những địa phương có tỷ lệ lấp đầy từ 60% trở lên.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/doisongxahoi/603aae767f00000101ae563c8fa17cba