Bảo tàng Hải dương học - nơi khám phá đại dương và giáo dục về tài nguyên, chủ quyền biển đảo

Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 6km về hướng Đông Nam, có một địa điểm được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm và thường đưa con đến tham quan, học tập mỗi khi có dịp đến với thành phố biển, đó là Bảo tàng Hải dương học Việt Nam. Nơi đây là không gian lý tưởng để công chúng có thể tham quan, khám phá về đại dương. Khi đến với Bảo tàng, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng hệ thống hồ nuôi với hơn 300 loài sinh vật biển tiêu biểu và khoảng 20.000 mẫu vật thuộc 5000 loài được thu thập ở biển Đông và các vùng lân cận từ năm 1922. Đặc biệt, bảo tàng còn giới thiệu về Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về giá trị về chủ quyền, kinh tế, sinh thái, an ninh quốc phòng và yêu quý hai quần đảo thân yêu của Tổ quốc.

 Quang cảnh bên ngoài của Bảo tàng Hải dương học Việt Nam

Quang cảnh bên ngoài của Bảo tàng Hải dương học Việt Nam

Đông đảo học sinh từ khắp nơi trên cả nước đến tham quan và học tập

Rạn san hô là nơi sinh sống và trú ngụ của nhiều loài cá nhiệt đới và một số loài khác như: Sứa, giun, giáp xác, động vật thân mềm, động vật da gai...

Bể chứa cho thấy sự đa dạng của hệ sinh thái rạn san hô

Hai chú hải cẩu gây thích thú cho khách tham quan.

Rùa xanh và Víc bơi cùng nhau

Hành lang luôn đông người chăm chú ngắm nhìn các loài sinh vật biển nhiều màu sắc trong bể kính

Một cậu bé mê mải theo dõi chú cá Bò bông bi bơi lên xuống trong bể

Cá Thù Lù thân hình đĩa rất mảnh mai, miệng nhọn, các sọc đen vàng chạy dọc thân giúp chúng ngụy trang lẫn vào rạn san hô. Vây lưng rất dài tạo dáng thướt tha khi di chuyển

Cá khoang cổ chọn cách sống hội sinh với hải quỳ. Khi cá khoang cổ tìm được thức ăn thường đem về tổ cho hải quỳ. Khi gặp nguy hiểm hải quỳ sẵn sàng bảo vệ cá khoang cổ bằng cách ôm lấy cá và tiết ra chất độc giết chết kẻ thù của cá

Hải quỳ ống còn được gọi là “cây dừa biển”, chúng kiếm mồi bằng cách dùng các tua râu mảnh mai bắt các sinh vật lơ lửng làm thức ăn. Khi gặp nguy hiểm chúng co người lại lẩn trốn rất khéo dưới trầm tích.

Cá mó đèn có màu sắc thay đổi theo giai đoạn phát triển. Chúng thường ẩn mình dưới cát khi gặp nguy hiểm

Cá mao tiên xòe những tua vây lả lướt rất đẹp, được mệnh danh là “công chúa biển". Nhưng chớ nên động vào những chiếc vây này vì chúng chứa chất độc

Bộ xương cá voi do nhân dân xã Hải Cường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà khai quật vào ngày 8/12/1994 trong khi đào mương làm thủy lợi. Bộ xương bị vùi sâu dưới ruộng 1,2 m và cách biển 4 km. Chiều dài bộ xương là 18 m và trọng lượng gần 10 tấn.

Một mẫu san hô đỏ

Tấm bản đồ Trường Sa được ghép bằng hạt cà phê Việt Nam, do công ty Mê Trang thực hiện. Tấm bản đồ có kích thước 3m x 6m, sử dụng 100 kg hạt cà phê, do 200 sinh viên và một số người tình nguyện làm trong 2 tuần.

Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa nằm trong khuôn viên của Bảo tàng luôn nhắc nhở, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước và trách nhiệm gìn giữ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng

Sa bàn đảo Trường Sa lớn được giới thiệu trong không gian “ Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa"

Đá san hô khắc hình ảnh cột mốc chủ quyền các đảo Trường Sa Đông, An Bang, Sinh Tồn, Nam Yết do Ủy ban nhân dân huyện đảo Trường Sa và lữ đoàn 145 vùng IV Hải quân nhân dân Việt Nam tặng Bảo tàng năm 2013

Hành lang bước vào không gian “ Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa-Trường Sa" được bố trí hợp lý và đẹp mắt

Những chú cá hề trong bộ phim “Đi tìm Nemo” cuốn hút trẻ em vì dáng vẻ mềm mại và màu sắc sặc sỡ

Mẫu cá mặt trăng đuôi nhọn, loài quý hiếm của đại dương

Thuyền của đội Hoàng Sa được thành lập từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Chúa truyền dụ dân phường An Vĩnh, Cù Lao Ré, tổng Quảng Nghĩa (nay là xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lập những đội quân ra Hoàng Sa, Trường Sa bảo vệ chủ quyền và khai thác các sản vật quý để tiến Vua

Bản đồ biển Đông do người Hà Lan vẽ năm 1754 ghi nhận Hoàng Sa và Trường Sa là hai nhóm không tách rời, xác nhận chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này

Hành làng có các bể chứa rạn nhân tạo, cấu trúc do con người tạo ra nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, cải tạo môi trường và phục vụ du lịch. Rạn nhân tạo giúp người xem thấy được giá trị của công tác bảo tồn và phát triển các loài sinh vật biển

Mẫu vật bò biển quý hiếm trưng bày tại bảo tàng

Không gian trưng bày hàng vạn mẫu sinh vật biển của Viện Hải dương học

Xác nhận kỷ lục Việt Nam: Viện Hải dương học là nơi lưu trữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất

Minh Thu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/bao-tang-hai-duong-hoc-noi-kham-pha-dai-duong-va-giao-duc-ve-tai-nguyen-chu-quyen-bien-dao/735357.antd