Bảo tàng Đạo Mẫu – sự cộng cảm từ đức tin và sự sáng tạo

Cộng hưởng từ sự nâng niu những giá trị quá khứ cùng với lòng kính ngưỡng Đạo Mẫu Tứ Phủ, Bảo tàng Đạo Mẫu đã được xây dựng nên nhờ sự sáng tạo của KTS Nguyễn Hà cũng những tâm huyết, sự chắt chiu của NSƯT Xuân Hinh – chủ sở hữu bảo tàng.

Vẻ đẹp cấu thành từ những điều cũ kỹ

Không phải là không gian trưng bày đầu tiên tôn vinh giá trị của Đạo Mẫu Tứ Phủ, nhưng Bảo tàng Đạo Mẫu của NSƯT Xuân Hinh tọa lạc tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội lại sở hữu những nét đặc sắc trong kiến trúc. Với diện tích lên tới 5.000 m2, nghệ sỹ Xuân Hinh có thể thỏa sức biểu đạt những ý tưởng của mình thông qua các thiết kế.

Nghệ sĩ Xuân Hinh trong khuôn viên Bảo tàng Đạo Mẫu. Ảnh: DesignBoom

Từ góc nhìn tổng thể, ba tòa tháp được xây từ gạch ngói hẳn sẽ thu hút sự chú ý ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ba tòa tháp tựa như lời minh định rõ kiến trúc này là phụng sự tín ngưỡng thờ Mẫu. Bởi thấp thoáng trong hình ảnh ba tòa công trình đó là sự liên tưởng tới hình tượng Tam tòa Thánh Mẫu – hình tượng xuất hiện ở vị trí cao nhất trên các ban thờ - nhân vật được coi là “bàn vị” của cả hệ thống tín ngưỡng.

Để đi vào bảo tàng phải đi qua 3 tòa tháp được xếp thủ công bằng từ 5 triệu viên ngói cổ trong 5 năm sưu tầm. Nguồn: KienViet/The Architectural Review

Những viên gạch ngói là chất liệu đặc biệt làm nên tòa công trình này. Câu chuyện từ những viên gạch ngói phải kể đến tuổi thơ của Xuân Hinh. Ông kể lại, năm 13, 14 tuổi, khi còn ở thôn Yên Việt (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), ông từng đi bắt ngói thuê – tức là công việc tháo rỡ từng viên ngói.

Một góc vườn trong khuôn viên bảo tàng. Ảnh: Facebook nhân vật

Với ông, từng viên ngói là sự tỉ mỉ, kỳ công của người nghệ nhân, nên ông vô cùng trân trọng. Vì thế, Xuân Hinh đã rày công gom góp 5 triệu viên ngói từ 500 hộ dân trên khắp cả nước. Trong bối cảnh đô thị hóa như hiện nay, tìm gặp được những ngôi nhà sử dụng gạch ngói là không đơn giản. Cũng chính bởi điều này, nghệ sĩ Xuân Hinh càng muốn níu giữ lại những nét hoài niệm thông qua một công trình kiến trúc. Những viên gạch vỡ cũng được ông tận dụng, đổ bê tông, tạo thành những tấm thảm dẫn lối vào bên trong bảo tàng.

Những viên ngói vỡ đổ bê tông lên, tạo thành những tấm thảm dẫn vào bên trong bảo tàng. Ảnh: Facebook Trương Trần Trung Hiếu

Vốn hình thành từ sự tôn thờ các yếu tố tự nhiên, Đạo Mẫu đã đặt chúng dưới sự cai quản của những vị Thánh Mẫu – những người mẹ quyền năng. Kế thừa tư duy tôn trọng các yếu tố tự nhiên đầy tính thiêng đó vào trong thiết kế, những cây cối được trồng sẵn trên mảnh đất cách nay hàng chục năm được Xuân Hinh giữ cẩn thận. Trong quá trình xây dựng bảo tàng, ông đã không cho đốn hạ bất kỳ cây nào.

Cây cối được trồng sẵn trên mảnh đất cách nay hàng chục năm được Xuân Hinh giữ cẩn thận. Ảnh: KienViet/The Architectural Review

Những tán cây thấp thoáng trên những bức tường từ ngói tạo cảm giác yên bình, thanh tịnh. Nguồn: KienViet/The Architectural Review

Bên cạnh cây cối, nước cũng là một nguyên tố được coi trọng trong hệ thống Tứ Phủ, đại diện cho Thoải Phủ. Hồ nước từ đó xuất hiện càng tọa thêm điểm hài hòa với các cây cối trong vườn, tượng trung cho Nhạc Phủ. Hồ nước mang dáng dấp giống với con cá chép uốn lượn, ôm lấy tòa công trình.

Bảo tàng Đạo Mẫu nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: Bảo tàng Đạo Mẫu

Không chỉ là bảo tàng trưng bày, còn là “bảo tàng sống”

Nét khác biệt so với những không gian trưng bày về Đạo Mẫu Tứ Phủ khác là khả năng tương tác trực tiếp với di sản. Ở gian trong cùng của bảo tàng là không gian thờ tự các ban thờ như một điện thờ Tứ Phủ. Tại đây, nghệ sỹ bài trì hệ thống tượng thờ rất công phu, tạo sự trang nghiêm, linh thiêng cho một không gian giao lưu tri thức.

Ở chính giữa, trên cao nhất là ngôi Tam tòa Thánh Mẫu, bên dưới là các vị Thánh thuộc Công đồng Tứ Phủ. Hai bên trái sang phải có ban thờ Sơn Trang và Trần triều. Có lẽ cũng chính bởi bầu không khí thiêng ấy, bảo tàng còn có thêm cái tên là Linh từ Uống nước nhớ nguồn. Tại chính với không gian này, nghệ sỹ Xuân Hinh có thể thực hành nghi thức hầu đồng. Không chỉ dừng lại ở tham quan, ta còn có thể có dịp được chạm vào gần hơn với di sản qua những hình ảnh trực tiếp được chứng kiến từ những giá hầu của Xuân Hinh.

Khuôn viên bảo tàng có một thư viện để lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, bao gồm sách vở về hát văn, hầu đồng, ca dao tục ngữ, ca trù… hay những bức tranh dân gian. Nguồn: znews.vn

Một điểm rất ý nghĩa của Bảo tàng Đạo Mẫu là sự hiện diện của không gian đọc sách. Trong khuôn viên Bảo tàng Đạo Mẫu, Xuân Hinh đã dành riêng một thư viện làm lưu giữ, trưng bày các cuốn sách quý về ca dao, tục ngữ Việt Nam, những loại hình nghệ thuật cổ truyền như hát văn, ca trù, quan họ,…

Cùng với đó là sự hiện diện những nhạc cụ dân gian truyền thống như hình ảnh mô tả trực quan cho những loại hình diễn xướng đó. Bởi thế, không gian Bảo tàng Đạo Mẫu đã thực sự “sống” khi không chỉ là nơi để nhìn ngắm, mà còn là nơi để tương tác.

Không gian trưng bày các tư liệu của văn hóa thờ Mẫu của người Việt. Ảnh: KienViet/The Architectural Review

Trước Bảo tàng Đạo Mẫu, cũng ngay tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (quận Hoàn Kiếm) cũng dành một không gian cho chuyên đề trưng bày nội dung liên quan tới thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ. Tại đó, những trang phục hầu đồng, nhạc cụ hát chầu văn, đồ mã, ban thờ,… được bày trí tỉ mỉ. Cùng với đó, bảo tàng cũng trưng bày hình ảnh chân dung các nghệ nhân gìn giữ, truyền thừa di sản này cho thế hệ kế cận.

Tương tự, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng có những hiện vật trưng bày liên quan tới chủ đề này. Chưa kể tới không gian trưng bày khác với quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn đủ sức truyền tải những thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn của tín ngưỡng này đến với người xem.

Bảo tàng Đạo Mẫu, với tư cách là bảo tàng chuyên biệt, góp thêm một nỗ lực tôn vinh giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ…Ảnh: KienViet/The Architectural Review

Qua những hiện vật phong phú đa dạng, được sưu tầm kỳ công bởi Xuân Hinh, từ những bức tranh với nhiều phong cách, từ tranh dân gian Hàng Trống, tới những tranh hiện đại xoay quanh các vị Thánh trong hệ thống Tam, Tứ Phủ tạo cho không gian trưng bày vẻ linh thiêng, rồi rất nhiều tấm xiêm áo hầu đồng còn chưa được trưng bày, và đặc biệt hơn cả, là phong cách kiến trúc độc đáo nương vào thiên nhiên qua bàn tay thiết kế của KTS Nguyễn Hà, Bảo tàng Đạo Mẫu, với tư cách là bảo tàng chuyên biệt, góp thêm một nỗ lực tôn vinh giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ…

Người đã trợ lực giúp Xuân Hinh vẽ nên bản thiết kế cho công trình hoành tráng này là KTS Nguyễn Hà, đến từ văn phòng kiến trúc ARB.

KTS Nguyễn Hà. Ảnh: Facebook nhân vật

Ở tuổi 44, cô đã xuất sắc vượt qua các đối thủ trong top 4 đề cử đến từ Pháp, Lebanon và Brazil, giành được Giải thưởng Moira Gemmill cho Kiến trúc Triển vọng. Đây là giải thưởng vinh danh các kiến trúc sư dưới 45 tuổi vì thực hành xuất sắc của họ ở hiện tại và cả những triển vọng sự nghiệp kiến trúc tươi sáng thông qua tầm nhìn của họ về tương lai.

Kiến trúc sư Nguyễn Hà sinh năm 1980. Sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc Trường đại học Xây dựng cô nhận học bổng cao học kiến trúc tại Học viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich. Sau một thời gian làm việc tại Thụy Sĩ, năm 2010 cô trở về Việt Nam, mở văn phòng thực hành cùng hai kiến trúc sư Thụy Sĩ.

Đoan Túc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bao-tang-dao-mau-su-cong-cam-tu-duc-tin-va-su-sang-tao-43106.html