Báo Pháp: “Châu Âu sẽ trả giá đắt nếu lôi kéo được Kiew”

BizLIVE - Nga đã mất Ukraine, nhưng nếu Liên Hiệp Châu Âu có thắng thì cũng phải trả giá rất đắt, Le Monde bình luận.

Ảnh: RIA Novosti.

Theo RFI, các tờ báo lớn của Pháp hôm 26/8/2014 quan tâm nhiều đến cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Ukraine Porochenko và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Le Figaro đề tựa nhận định "Porochenko và Putin hội ngộ mà không chút ảo vọng".

"Trước cuộc họp Porochenko-Putin, tình hình tại Ukraine trở nên căng thẳng", bài viết trên nhật báo kinh tế Les Echos. "Quân nổi dậy thân Nga mở chiến dịch phản công tại miền đông Ukraine" tựa của Libération.

Theo các tờ báo, triển vọng của cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraine sẽ không làm giảm nhẹ căng thẳng tại Ukraine. Từ vài ngày nay, quân nổi dậy có vẻ đã lấy lại được tinh thần sau nhiều tuần nản chí. Libération lấy làm ngạc nhiên khi thấy sự lạc quan trở lại này có vẻ trùng khớp với nhiều thông tin và lời đồn đãi cho rằng một số chiến xa của Nga đã được gửi đến cho quân nổi dậy qua ngả "cứu trợ nhân đạo".

Tờ báo còn trích một nguồn tin từ quân đội Ukraine cho hay một đoàn xe tăng 10 chiếc và hai xe binh chủng chở đầy binh sĩ Nga, ngụy trang thành quân nổi dậy đã vượt qua biên giới hai nước, gần vùng Novoazovsk, ở vùng biển Azov.

Ukraina: Cơ hội cho Đức khẳng định mình trên trường quốc tế

Còn báo Le Monde nhận thấy nội chiến tại Ukraine đã tạo cơ hội cho "Đức khẳng định mình trên trường quốc tế". Trong chuyến thăm Kiev hôm thứ bảy 23/08 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel lời hứa trợ giúp Kiev 500 triệu euro để tái thiết cơ sở hạ tầng bị phá hủy ở đông Ukraine. Mở đầu bài viết Le Monde cho rằng người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu tương lai sẽ có một trách nhiệm không mấy dễ dàng.

Kể từ giờ Đức có ý định gánh vác trách nhiệm trên chính trường quốc tế mà không cần phải núp sau vỏ bọc Châu Âu. Đây không phải là lần đầu tiên Berlin có động thái này. Bài viết nhắc lại bà Angela Merkel đã từng đến Bắc Kinh vào tháng 08/2012 nhằm trấn an các doanh nghiệp Trung Quốc về cuộc khủng hoảng đồng euro.

Theo quan sát của Le Monde, gần đây bà Merkel và Ngoại trưởng Đức dành phần lớn thời gian cho việc làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Mặc dù Thủ tướng Đức vẫn thường xuyên kết hợp với Tổng thống Pháp qua điện đàm về hồ sơ Ukraine, nhưng chính Angela Merkel mới là người cầm trịch.

Một dấu hiệu quan trọng khác liên quan đến những thay đổi về chính sách đối ngoại của Đức đó là trong buổi phỏng vấn trực tiếp như thường lệ trên kênh ARD, gần như hơn 15 phút đầu tiên là dành cho thời sự quốc tế : Ukraina, Irak, Israel và các vụ nghe lén.

Châu Âu sẽ trả giá đắt nếu lôi kéo được Ukraine

Thế nhưng, bài bình luận đề tựa "Ukraina: chi phí của cuộc chiến" nhận định cho dù có lôi kéo được Ukraine về phía mình, Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Đầu tiên, tác giả nhận định bà Angela Merkel đã có một món quà khá khôn khéo khi tuyên bố tài trợ 500 triệu euro cho để tái thiết cơ sở hạ tầng bị chiến tranh phá hủy tại vùng Donbass. Đức muốn chứng tỏ với cộng đồng người Nga tại đông Ukraine rằng họ không nên chỉ trông chờ vào Moscow mà Châu Âu cũng có mặt ở đó để giúp đỡ họ. Một cử chỉ mang đậm tính biểu tượng trước các hành động "cứu trợ nhân đạo" của Nga.

Thế nhưng, Le Monde cho rằng định mệnh của Ukraine vượt quá khuôn khổ của món quà 500 triệu euro. Bởi vì cuộc chiến tại phía đông đã làm sa lầy mọi nỗ lực cải cách. Những nhà ủng hộ dân chủ từ tháng 11/2013 đã nghi ngờ rằng tổng thống Nga, một khi sát nhập được Crimea, sẽ tìm cách gây bất ổn tại vùng phía đông, nhằm cản trở mọi giá các nhà cải cách lên lãnh đạo đất nước.

Bởi vì trên bình diện chính trị, mặc dù Ukraine đã thành công trong việc bầu chọn một vị tổng thống hợp pháp, nhưng Nghị viện lại do các bằng hữu thân tín của cựu tổng thống bị lật đổ ông Viktor Ianoukovitch chiếm đa số và đóng vai trò kẻ gây cản trở. Để đổi mới lại nghị viện, thì phải tổ chức bầu cử. Muốn bầu cử được công bằng, phải sử đổi lại luật bầu cử. Mà việc sửa đổi luật bầu cử phải được Nghị viện thông qua. Một việc làm mà tờ Le Monde đánh giá khó có thể đạt được.

Trong khi đó nền kinh tế của Ukraine đang trên đà suy sụp. Tăng trưởng bị co cụm trong năm 2014, đồng tiền bị mất giá. Dù cựu thủ tướng thành công trong việc tăng thuế khai thác khí gaz và dầu nhưng 80% số tiền thu được lại phải chi cho cuộc chiến. Ukraine cáo buộc Nga đã phá hủy các cơ sở hạ tầng tại Donbass. Kiev lên án hành động pháo kích của Nga vào các mỏ than nhằm mục đích phá hủy nguồn năng lượng hiếm hoi còn lại cho mùa đông, buộc đất nước phải mua khí gaz của Nga.

Trong bối cảnh đó, Le Monde nhận xét trong cuộc họp Nga-Ukraine hôm 26/8, Tổng thống Ukraine, Viktor Porochenko, dù được Liên Hiệp Châu Âu "chống lưng" nhưng vẫn trên thế yếu. Hy vọng chấm dứt chiến tranh rất mong manh. Đối với Putin, đây cũng có thể là một dạng chiến thắng.

Hiện Nga đã mất Ukraine, nhưng nếu Liên Hiệp Châu Âu có thắng thì cũng phải trả giá rất đắt, Le Monde kết luận.

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/bao-phap-chau-au-se-tra-gia-dat-neu-loi-keo-duoc-kiew-376152.html