Báo Mỹ tố ông Donald Trump mời Nga tấn công tin tặc

​Hai báo Washington Post và Wall Street Journal ngày 28.7 (giờ địa phương) đã đăng bài xã luận công kích ứng cử viên tổng thống Donald Trump sau khi ông Trump tuyên bố mời tin tặc Nga công bố số email biến mất khỏi máy chủ cá nhân của bà Hillary Clinton.

Ngày 27.7 (giờ địa phương), ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Dobald Trump tuyên bố tại Florida: “Hỡi nước Nga, nếu quý vị lắng nghe, tôi hy vọng quý vị có thể tìm ra 30.000 email đang mất tích. Tôi muốn chúng được công bố”. Ông Trump còn nói: “Nếu Nga, Trung Quốc hoặc nước khác có các thư điện tử này, chân thành mà nói, tôi rất muốn được thấy chúng”.

Tỉ phú Trump bị mắng là người nói bậy

Trong bài xã luận, báo Wall Street Journal phê phán thẳng thừng chuyện ông Trump mời gọi tin tặc Nga: “Một sự can thiệp là cần thiết sau cuộc họp báo hôm 27.7 của tay Cộng hòa cho chân lên miệng” (ám chỉ ông Trump nói bậy và xúc phạm người khác).

Báo này nói rằng tuyên bố của ông Trump là không thể bào chữa được, thậm chí gây lo ngại vì lời ông nói ra trong bối cảnh xem ra ông có cảm tình với Tổng thống Nga Putin.

Đài truyền hình CBS News lo ngại dường như ông Trump có thiện cảm “với cách xử lý kiểu độc đoán” của Tổng thống Putin đồng thời lên án ông Trump đã nói ông thích “khả năng của ông Putin là đạt được điều ông ấy muốn”.

Trong khi đó, báo Washington Post kêu gọi cử tri Mỹ lưu ý “thêm một lý do để ông Trump không thể nắm được quyền lực tổng thống”.

Bài xã luận viết: “Các vụ tấn công tin tặc của chính phủ nước ngoài như Nga và Trung Quốc chống lại chính phủ Mỹ, ngành công nghiệp Mỹ cùng các mục tiêu nhạy cảm khác là không thể chấp nhận được và phải bị kháng cự. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đã mời thế lực thù địch nước ngoài tiến hành tấn công tin tặc trái phép chống lại đối thủ của ông ta, và đòi công bố các email cá nhân của bà ấy".

Washington Post thắc mắc phải chăng Tổng thống Putin đang toan tính chỉ ra chiêu trúng cử Tổng thống Mỹ cho ông Trump.

Một số người trong đảng Cộng hòa cũng phản đối ý tưởng mời tin tặc Nga của ông Donald Trump.

Brendan Buck, người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, viết trong email gửi CBS News: “Nga đang là mối đe dọa lớn cho thế giới... Putin nên đứng ngoài cuộc bầu cử này”.

Ứng cử viên phó tổng thống Mike Pence của ông Trump tuyên bố: "Nếu Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta, tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng cả hai đảng và chính phủ Mỹ sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 28.7, ông Trump phát biểu với hãng tin Fox News: “Dĩ nhiên tôi chỉ châm biếm mà thôi. Nhưng quý vị có 33.000 email bị xóa bỏ, và vấn đề thực sự là những gì Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ viết trong các email này”.

Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Nga chịu trách nhiệm về vụ Wikileaks công bố gần 20.000 email nội bộ của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ hôm 22.7. Nhiều email cho thấy Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ ủng hộ bà Clinton làm ứng cử viên tổng thống trong khi các quan chức cấp cao dè bỉu, phê phán Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.

Tranh tường mô tả "tình cảm anh em" giữa hai ông Putin và Trump - Ảnh: AP

Ông Trump là "điệp viên của Putin"

Hồi tháng 6, báo Washington Post đã đưa tin “tin tặc của chính phủ Nga” xâm nhập mạng điện toán của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ. Công ty CrowdStrike là nơi xử lý vụ tin tặc cùng hai công ty nghiên cứu độc lập kết luận Điện Kremlin tài trợ cho hai nhóm tin tặc gồm một nhóm xâm nhập hệ thống điện toán của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ suốt một năm.

Ngày 25.7, tạp chí National Interest viết rằng ông Trump là “điệp viên của Putin”.

Tạp chí này giải thích đó là cách nói bóng gió của phe tân bảo thủ từng can thiệp vào chủ trương đối ngoại cứng rắn của chính quyền Bush-Cheney (2001-2006) và phe hiếu chiến luôn ủng hộ can thiệp quân sự vào nước ngoài như đánh Libya và Iraq, chương trình máy bay không người lái, can thiệp quân sự vào Syria. Theo National Interest, hai nhóm trên “dọn đường” cho bà Clinton cáo buộc chính phủ Nga dính líu chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Ví dụ trên tạp chí Slate, nhà báo Franklin Foer giải thích: “Putin có kế hoạch hủy diệt phương Tây và kế hoạch này rất giống Trump”.

Cây bút bình luận Anne Appletaum của báo Washington Post viết: “Cuối cùng, chúng ta có ứng cử viên Trump trực tiếp và gián tiếp quan hệ với... Putin, người có các chủ trương mà Trump quảng bá”.

Bài xã luận “Ứng cử viên người Siberia” của Paul Krugman cũng mô tả liên minh giữa Moscow với ông Trump. Tác giả bài viết nêu “có lẽ Trump là điệp viên của Nga, là người của Putin ở Nhà Trắng”. Krugman còn viết ông Trump “sẽ thực sự theo đuổi chính sách đối ngoại thân Putin” và “ông ấy ngưỡng mộ Putin” đến độ đã nhấn mạnh ở vai trò tổng thống Mỹ, ông sẽ không nhất thiết bảo vệ các đồng minh NATO khỏi bị Nga tấn công nếu NATO không chịu đóng góp tài chính.

Nhà báo Jeffrey Goldberg của báo Atlantic Monthly viết blog rằng việc người Mỹ phải chọn ai là tổng thống kế tiếp trên thực chất là lựa chọn giữa bà Clinton với "một điệp viên của Putin”.

Theo báo Moscow Times ngày 25.7, trưởng ban tranh cử Robby Mook của bà Clinton nói với các nhà báo hôm 24.7: “Vài chuyên gia nói vụ rò rỉ email của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ là do Nga dàn dựng nhằm giúp ông Trump".

Nhà phân tích các vấn đề quốc tế Vladimir Frolov trao đổi với Moscow Times rằng mục tiêu chính của vụ rò rỉ email có thể do Điện Kremlin tài trợ nhằm trả đũa và bôi nhọ uy tín của bà Clinton vì Nga cho rằng có một chiến dịch bôi nhọ chống lại ông Putin. Ông Frolov nói ngay cả khi phía Nga không thấy có gì gây hại trực tiếp cho cơ may trúng cử của bà Clinton thì “họ vẫn tìm được một vũ khí chiến tranh tuyên truyền tốt và họ công bố đúng lúc. Trump là một ứng cử viên cho Nga đúng là điều mà bà Clinton cần”.

Ngày 25.7, FBI đã vào cuộc điều tra vụ tin tặc tấn công hệ thống điện toán của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ nhằm tìm mối liên quan giữa Nga với cuộc tranh cử của ông Trump nhưng Frolov không tin họ sẽ tìm ra chứng cứ. Nhà phân tích này ghi nhận thực tế là Nga trông thấy ở ông Trump cơ hội phục hồi quan hệ Nga - Mỹ nhưng họ cũng lo ngại tính khí ông Trump thất thường cùng việc ông Trump không có kinh nghiệm chính trị.

Điện Kremlin phủ nhận mọi cáo buộc có sự dính líu của chính phủ Nga.

Tuy nhiên, Moscow Times nêu Nga có lịch sử tin tặc gồm các vụ tấn công mạng suốt 3 tuần ở Estonia hồi năm 2007 khiến chính phủ Estonia cùng các trang web của báo chí và ngân hàng bị tê liệt.

Tình báo nội địa Đức cũng cáo buộc Nga đứng sau vụ tin tặc năm 2015 khiến hệ thống điện toán của Quốc hội Đức bị tê liệt nhiều ngày.

Moscow Times cũng viết hồi năm ngoái, Điện Kremlin có liên quan đến vụ xâm nhập vào hệ thống điện toán của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trung Trực (tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/bao-my-to-ong-donald-trump-moi-nga-tan-cong-tin-tac-39091.html