Bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng - vì không biết sợ hay vì thiếu tiền?

Mới đây, TAND Hà Nội đã đưa Nguyễn Văn Thành (SN 1991, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) ra xét xử tội danh “Giết người”.

Ảnh minh họa.

Bị cáo và vợ là chị Nguyễn Thùy Dung (SN 1994, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) là vợ chồng từ năm 2012, đã có hai con sinh năm 2012 và năm 2014. Do chồng mải chơi, mang hết đồ đạc trong nhà đi cầm cố, nhiều lần bị chồng đánh đập, nên giữa hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn.

Tết năm 2016, Thành thấy trên điện thoại của vợ thì thấy có tin nhắn hẹn hò rủ đi chơi của số lạ nên nghi ngờ vợ có quan hệ với người đàn ông khác. Bực bội, Thành đã lấy xăng hắt mặt vợ rồi bật lửa. Người vợ bị lửa thiêu cháy biến dạng khuôn mặt.

Theo giám định, chị Dung bị tổn hại 80% sức khỏe. Tại phiên tòa, Thành khai, do nghi ngờ vợ có quan hệ với người đàn ông khác và đòi ly hôn nên đã ghen tức và nảy sinh ý định dùng xăng đốt làm cho chị Dung bị bỏng, mất nhan sắc thì sẽ không có quan hệ với người khác được nữa.

Với hành vi phạm tội, Phạm Văn Thành bị TAND Hà Nội tuyên phạt 18 năm tù giam tội “Giết người”. Thời gian gần đây, các vụ bạo lực gia đình diễn ra ngày càng nhiều và tính chất càng nghiêm trọng.

Nếu trước kia đàn ông là nguyên nhân chính gây ra bạo lực gia đình như vụ án nói trên, thì hiện nay cũng có không ít vụ án mà trong đó, người vợ dám thẳng tay hạ sát chồng mình.

Điển hình như vụ xảy ra cách đây gần một năm tại Lương Sơn, Hòa Bình. Đàm Thị Ngọc 32 tuổi người địa phương đã hạ độc người chồng hơn 4 tuổi là Quách Minh Hải.

Theo lời khai của Ngọc, sau khi anh Hải đi làm thợ xây ở Sơn Tây, Hà Nội về nhà thì có uống rượu say và bảo Ngọc đi pha cho cốc nước đường uống cho đỡ mệt. Do bực tức với chồng, Ngọc đã pha nước đường, sau đó lấy lọ thuốc diệt cỏ ở bếp nhỏ vào cốc nước đường mấy giọt và cho chồng uống. Anh Hải được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, sau đó chuyển đến BV Bạch Mai.

Sau khi thăm khám, các bác sỹ xác định anh bị phá hủy nội tạng, ngộ độc thuốc diệt cỏ, không có khả năng cứu chữa nên đã trả về nhà và tử vong.

Một câu hỏi đặt ra rằng tại sao lại quá nhiều bi kịch gia đình như vậy và nguyên nhân từ đâu?

Trả lời câu hỏi này, theo Thạc sĩ Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch bên cạnh áp lực cuộc sống đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự bình yên của mỗi gia đình, thì về mặt lối sống, tâm linh nhiều người giờ đây đã quá thờ ơ với nỗi sợ. Sợ ở đây là sợ cái gì? Sợ bị dằn vặt lương tâm, sợ bị cộng đồng chê cười, sợ bị quả báo, nhân quả…

Ngày trước, người ta biết sợ nhiều thứ, nên cũng vì thế mà cuộc sống bình yên, ít tội ác hơn. Thử ngẫm lại mà xem, người Việt thời xưa khi trong nhà xảy ra chuyện thì thường bảo nhau: “Không sợ người ta cười cho à?”.

Còn bây giờ, mọi người và đặc biệt là người trẻ rất ít biết sợ nên dễ gây ra những hệ quả nguy hiểm. Một khía cạnh đáng buồn nữa trong vấn nạn bạo lực gia đình, đó là sự cô đơn của mỗi gia đình. Cuộc sống hiện đại đang biến gia đình thành ốc đảo, sống ngay giữa lòng cộng đồng mà gần như biệt lập với cộng đồng. Bản thân cộng đồng cũng vậy, tuy gọi là cộng đồng nhưng cũng chỉ nhà ai biết nhà nấy.

Để hóa giải vấn đề này, để “dập lửa ngay từ than hồng” theo ông Hoa Hữu Vân, rất cần một đội ngũ cán bộ gia đình được đào tạo chính quy, có đầu tư cho lực lượng cán bộ này.

Ở cộng đồng, lực lượng cán bộ gia đình sẽ cùng với chi, tổ, hội địa phương phát hiện sớm những mâu thuẫn gia đình khi nó vẫn còn manh nha ở mức độ nhỏ. Mong muốn là vậy nhưng kinh phí để duy trì lực lượng này là một vấn đề rất nan giải tại các địa phương. Được biết, trong

Hướng dẫn 355 ngày 10/1/2017 của Bộ Tài chính về cơ chế và định mức tài chính thực hiện công tác gia đình, khoản kinh phí để chi công tác phòng, chống bạo lực gia đình được liệt kê khá đầy đủ từ hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình cho tới hỗ trợ hoạt động nhóm phòng, chống bạo lực gia đình...

Mong rằng tới đây, nạn bạo lực gia đình sẽ giảm khi mà nguồn lực đã có để cán bộ gia đình có thể đi từng thôn, gõ cửa từng nhà khơi lên ngọn lửa, ý thức về giữ gìn văn hóa gia đình,

X. Hoa

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/bao-luc-gia-dinh-ngay-cang-nghiem-trong--vi-khong-biet-so-hay-vi-thieu-tien-d36725.html