Bao giờ TP.HCM hết ngập?

Có lẽ người dân TP.HCM sẽ còn phải chờ lâu nữa mới có thể thoát khỏi cảnh ngập úng, khi thành phố sẽ bị cắt giảm thêm 5% tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại trong giai đoạn 2017-2020. Không chỉ vấn đề ngập úng không có tiền để giải quyết, mà kinh tế của thành phố cũng sẽ còn phải chờ lâu hơn nữa mới có thể cất cánh được.

Nhiều tuyến đường tại TP.HCM ngập nặng sau cơn mưa

Câu chuyện mưa lũ ngập lụt trở thành vấn đề nổi bật trong xã hội suốt nửa đầu tháng 10 vừa qua, khi mưa lũ lớn đã gây ra không ít thiệt hại ở các tỉnh miền Trung, còn ở miền Nam thì TP.HCM phải đối mặt với một trong những đợt ngập úng do triều cường lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Bão lũ là việc của trời, nhưng việc chống úng ngập như ở TP.HCM là điều có thể làm được, dù không dễ dàng do chi phí không phải ít, bản thân Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng cũng thừa nhận rằng chương trình chống ngập lên tới 97.000 tỉ đồng chưa biết trông vào đâu. Và giờ đây thì có lẽ người dân TP.HCM sẽ còn phải chờ lâu hơn nữa mới có thể thoát khỏi cảnh ngập úng đã trở thành quen thuộc, khi theo những thông tin tại kỳ họp Quốc hội lần này thì thành phố sẽ bị cắt giảm thêm 5% tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại trong giai đoạn 2017-2020 (theo CafeF). Không chỉ vấn đề ngập úng chưa được giải quyết, mà kinh tế của thành phố cũng sẽ còn phải chờ lâu hơn nữa mới có thể cất cánh được.

Quả thực, thông tin về việc TP.HCM sẽ bị cắt giảm thêm 5% tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại trong giai đoạn 2017-2020 khiến cho tất cả đều phải bất ngờ, từ Đoàn ĐBQH của thành phố cho đến các chuyên gia kinh tế. Đã có rất nhiều quan điểm và các cuộc thảo luận về mức tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại bao nhiêu là phù hợp đối với TP.HCM trước đây, và hầu hết đều thừa nhận rằng mức tỷ lệ 23% ở thời điểm hiện tại là không đủ để tận dụng tiềm năng phát triển của một thành phố giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế như TP.HCM, đặc biệt là khi so với một trung tâm kinh tế khác là Hà Nội hiện vẫn đang được phép duy trì tỷ lệ ngân sách giữ lại lên tới khoảng 35%. Chính vì mức tỷ lệ 23% được xem là chưa tương xứng và thích hợp mà chính quyền TP.HCM đã khá nhiều lần xin được cấp quy chế riêng để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của TP.HCM với vai trò đầu tàu của nền kinh tế, các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian vừa qua đều khẳng định sẽ dành nhiều cơ chế và nguồn lực để hỗ trợ thành phố phát triển, bản thân Thủ tướng Chính phủ cũng đồng tình và ủng hộ những đề xuất tăng nguồn lực và cơ chế đặc thù cho TP.HCM tại cuộc gặp cách đây vài tháng. Chính vì thế, thông tin TP.HCM sẽ bị cắt giảm thêm 5% tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại từ mức 23% xuống còn 18% khiến tất cả đều khá ngỡ ngàng và bất ngờ. Điều này trước hết tạo ra một sức ép lớn đối với kế hoạch phát triển của thành phố trong vài năm sắp tới, theo tính toán 1% ngân sách của TP.HCM vài năm gần đây là khoảng 17.000 tỉ đồng, như vậy nếu giảm 5% thì thành phố sẽ mất khoảng hơn 80.000 tỉ đồng mỗi năm (tương đương gần 4 tỉ USD) (theo CafeF).

Việc mất một khoản tiền lớn như vậy hàng năm được đánh giá sẽ khiến TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm sức cạnh tranh và khả năng phát triển kinh tế do lạm vào quỹ tái đầu tư địa phương, ngoài ra các chương trình an sinh xã hội cũng bị tác động nặng nề. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Đại học KHXH-NVTP.HCM, thì lẽ ra thành phố phải được tăng ngân sách thay vì cắt giảm: “Tôi cho rằng trung ương nên có tư duy phát triển hơn là tư duy tận thu. Thay vì chỉ cho giữ lại 23% thì phải tăng thêm cho TP.HCM, như cỡ 30%. Bởi TP.HCM là nơi sinh ra tiền cho cả nước thì phải nuôi TP để làm ra được nhiều tiền hơn” (theo CafeF).

Về phương diện nền kinh tế, việc giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại của TP.HCM từ 23% xuống còn 18% giai đoạn 2017-2020 cũng có thể xem là không đồng nhất với chủ trương phân bổ nguồn lực một cách hợp lý vốn là một nội dung chủ đạo trong đề án tái cơ cấu kinh tế của Nhà nước và Chính phủ.

Về mặt vĩ mô, vấn đề của kinh tế Việt Nam là có quá ít địa phương làm ra tiền khi chỉ có 13/64 tỉnh thành có điều tiết về ngân sách trung ương hàng năm, các trung tâm kinh tế năng động nhất hàng năm phải hỗ trợ các địa phương hụt thu thay vì được giữ lại để tái đầu tư phát triển kinh tế. Tư duy cào bằng giữa các địa phương kể trên là một trong những lý do kéo kinh tế Việt Nam thụt lùi đi đáng kể, và khi mà tất cả đều tưởng rằng tư duy có phần lạc hậu này sắp đến hồi chấm dứt khi Chính phủ cam kết kiến tạo và buộc các địa phương trên cả nước phải tự điều chỉnh thu chi cho hợp lý thay vì trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách trung ương, thì mọi thứ lại đảo chiều khi những trung tâm kinh tế như TP.HCM tiếp tục bị vắt kiệt.

Nếu tư duy cào bằng này tiếp tục tồn tại và được đẩy mạnh hơn nữa, đi ngược lại với chủ trương kiến tạo và phục vụ của Chính phủ cũng như đề án tái cơ cấu nền kinh tế, thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Với việc tiếp tục cắt giảm tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại của TP.HCM, cũng đồng nghĩa với thông điệp nguyên tắc phân bổ nguồn lực hợp lý trong nền kinh tế mà Chính phủ đã cam kết sẽ không được coi trọng.

Có thể một số ý kiến cho rằng TP.HCM được đánh giá là có sức thu hút nguồn vốn xã hội lớn nên nếu cắt ngân sách sẽ thu hút từ các nguồn khác nhiều hơn, nhưng thực tế là điều đó sẽ làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của thành phố, cả ở trong nước lẫn khu vực.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thì hiện tại tư duy huy động nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế đã không còn phù hợp. Xét về mức huy động nguồn lực trong những năm qua, Việt Nam đứng trong số những quốc gia hàng đầu thế giới (huy động đầu tư xã hội đạt 34-35% GDP, chi ngân sách đạt 28% GDP, huy động thu ngân sách 22-23% GDP, huy động đầu tư nước ngoài lên tới 28% tổng đầu tư xã hội,…) (theo The Saigon Times).

Tất cả những điều này dẫn tới hệ quả là bội chi ngân sách ở mức cao và tiếp tục gia tăng, có thể khiến xói mòn nguồn lực quốc gia và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, vấn đề trọng yếu của Việt Nam hiện nay để tái cơ cấu nền kinh tế là phân bổ nguồn lực hợp lý chứ không phải là huy động thêm nguồn lực trong khi tiếp tục sử dụng kém hiệu quả. Nhìn nhận vấn đề theo khía cạnh này, thì việc giảm thêm 5% tỷ lệ thu ngân sách được giữ lại của TP.HCM đã đi ngược lại với cả hai nguyên tắc trên, nó vừa là một động thái tận thu mà vừa là một động thái phân bổ nguồn lực thiếu hợp lý, với một thành phố đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế như TP.HCM thì điều cần làm là tăng nguồn lực đầu tư chứ không phải là rút bớt đi.

Nhàn Đàm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/bao-gio-tphcm-het-ngap-45849.html