Bao giờ “Phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu” mở cửa?

Sang năm 2015 là tròn 30 năm ngày mất của nhà thơ Xuân Diệu, thế nhưng cho đến bây giờ, gia đình họ tộc cố nhà thơ Xuân Diệu vẫn đau đáu nỗi niềm về việc phòng lưu niệm nhà thơ ở biệt thự số 24 Điện Biên Phủ (Ba Đình, Hà Nội) quạnh quẽ, nhiều kỷ vật liên quan đến nhà thơ đã bị những người ngụ ở đây làm thất lạc. Và quan trọng là những người yêu thơ Xuân Diệu không có chỗ đến như lời nhắn gửi của nhà thơ khi còn sống: “Nhà tôi 24 Cột Cờ/Ai yêu thì ghé, hững hờ thì qua”.

Nhà 24 Điện Biên Phủ và lá đơn gửi các cấp.

Ai quản lý “phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu?”

Mới đây, Báo Lao Động đã nhận được đơn đề nghị quản lý phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu của gia đình họ tộc nhà thơ. 7 người gồm bà Đặng Thị Kim Hoàn - vợ ông Ngô Xuân Huy (em ruột nhà thơ Xuân Diệu), Ngô Xuân Hải - cháu ruột nhà thơ, bà Ngô Thị Bích Mai - em họ nhà thơ, ông Ngô Đức Hành - cháu họ nhà thơ, bà Cù Thị Xuân Bích - con gái nhà thơ Huy Cận, cháu nhà thơ Xuân Diệu cùng ký tên vào lá đơn đề nghị này gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Nhà văn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội…

Để tìm hiểu sự việc, phóng viên Báo Lao Động đã tìm gặp bà Đặng Thị Kim Hoàn - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, Hà Nội. Bà Hoàn cho biết: “Việc tranh chấp phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu ở số nhà 24 Điện Biên Phủ đã dai dẳng từ lâu. Sau khi nhà thơ Xuân Diệu mất (ngày 18.12.1985), Ban Bí thư T.Ư Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương thành lập “phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu” và giao cho gia đình quản lý. Thế nhưng do nhà thơ Xuân Diệu không có con nên đã đồng ý cho ông Cù Huy Hà Vũ quản lý. Ông Vũ là con trai nhà thơ Huy Cận và bà Như - em gái Xuân Diệu. Sau đó, Hà Vũ gần như đóng cửa phòng thờ, những người trong họ tộc gần như không được vào phòng thờ nữa sau ngày giỗ bác Xuân Diệu lần thứ 10 (năm 1995). Gia tộc họ Ngô nhiều lần đề nghị ông Vũ mở cửa phòng thờ, nhưng lần nào cũng bị gạt đi”.

Bà Hoàn còn cho biết: “Hiện ông Cù Huy Hà Vũ đã sang định cư tại Mỹ cùng vợ. Căn biệt thự ở 24 Điện Biên Phủ và phòng thờ nhà thơ Xuân Diệu được giao cho con trai ông Vũ”.

“Ai yêu thì ghé” đến bao giờ mới được?

Chuyện tranh chấp ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ là một câu chuyện kéo dài. Năm 2002, Bộ Văn hóa - Thông tin có quyết định lập phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu. Năm 2003, UBND thành phố HN cũng đã có quyết định về việc thu hồi một phần diện tích nhà đất số 24 Điện Biên Phủ giao cho Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (nay là Sở VHTTDL) quản lý, sử dụng làm phòng lưu niệm nhà thơ.

Tuy nhiên, ông Cù Huy Hà Vũ cho rằng mình là người thừa kế duy nhất của nhà thơ Xuân Diệu. Năm 2011, UBND TP.Hà Nội tiếp tục có một quyết định nhắc lại quyết định có từ năm 2003 liên quan tới việc thu hồi một phần đất biệt thự 24 Điện Biên Phủ để làm phòng lưu niệm nhà thơ, nhưng bị gia đình ông Cù Huy Hà Vũ phản đối.

Đại diện gia tộc họ Ngô bày tỏ: “Việc phòng thờ và các di vật của nhà thơ Xuân Diệu bị chiếm dụng, lạnh lẽo là việc chúng tôi đau xót. Họ tộc họ Ngô đã gửi đơn đề nghị tới rất nhiều nơi để xin quyết định về việc này: Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ VHTTDL, UBND TP.Hà Nội để mong muốn lập lại phòng thờ của nhà thơ Xuân Diệu và treo biển phòng lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, để mở cửa cho những người yêu Xuân Diệu, yêu thơ Xuân Diệu vào thăm và được nhìn những kỷ vật gắn với nhà thơ Xuân Diệu. Sang năm là 30 năm ngày mất của nhà thơ, phòng lưu niệm là việc cần làm và nên làm. Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng vào cuộc để mong ước khi sinh thời của nhà thơ thành hiện thực”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/bao-gio-phong-luu-niem-nha-tho-xuan-dieu-mo-cua-281598.bld