Bao giờ các hộ dân có nhà bị nứt do thi công cầu sông Hiếu được bồi thường?

Dự án cầu sông Hiếu và đường dẫn 2 đầu cầu hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 11/2018, từ đó đến nay đã gần 5 năm nhưng 15 hộ dân có nhà bị rạn nứt nghiêm trọng do quá trình thi công công trình gây nên vẫn chưa được bồi thường, hỗ trợ. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn và bức xúc trong Nhân dân cũng như làm giảm hiệu quả vốn đầu tư.

Vết nứt dài từ phía mái xuống móng nhà và rộng chừng lọt 1 bàn tay được ông Chương ốp lại bằng tôn để tránh nước vào -Ảnh: L.T

Mong mỏi tiền bồi thường

Nằm cạnh đường dẫn lên cầu sông Hiếu, nhiều năm nay gia đình ông Nguyễn Ngọc Chương ở Khu phố 4, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà phải sống trong nơm nớp, lo sợ vì ngôi nhà chi chít vết nứt. Đáng chú ý, phía tường bên ngoài khu vực bếp nằm cạnh đường dẫn lên cầu xuất hiện vết nứt dài từ phía mái xuống tận móng nhà, rộng chừng 1 bàn tay có thể đưa vào lọt. Theo ông Chương, gia đình phát hiện ra các vết rạn nứt cách đây 8 năm, sau đó, chúng xuất hiện dày đặc từ phòng ngủ, nhà bếp, phòng khách, phòng thờ…

“Thời điểm đó, công trình cầu sông Hiếu và đường dẫn 2 đầu cầu đang xây dựng. Quá trình thi công, nhà thầu dùng nhiều xe lu lèn nền đường nên rung lắc rất mạnh, chưa kể các xe trọng tải lớn vận chuyển vật liệu chạy suốt ngày khiến cả ngôi nhà bị rung. Việc này kéo dài nên nhà tôi mới xuất hiện nhiều vết rạn nứt. Điều lo lắng nhất là càng ngày, vết nứt càng rộng và dài hơn”, ông Chương phàn nàn.

Cùng cảnh ngộ như nhà ông Chương, chị Hồ Thị Hạnh sống gần đó chia sẻ, 2 vợ chồng tích cóp nhiều năm mới xây dựng được căn nhà vào năm 2014. Chưa hết vui mừng, từ khi công trình cầu sông Hiếu triển khai thi công thì phát hiện các vết nứt trong nhà.

Ngay sau đó, 2 vợ chồng cùng các hộ dân sống quanh dự án đã làm đơn báo cáo chính quyền địa phương. “UBND phường Đông Thanh và các đơn vị liên quan đã nhiều lần về kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng để hỗ trợ cho bà con, nhưng từ đó đến nay, gia đình tôi cũng như các hộ khác vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Nhà tôi có con bị khuyết tật nặng, hằng ngày 2 vợ chồng đều đi làm kiếm tiền, để con một mình trong căn nhà rạn nứt thế này thực sự rất nguy hiểm. Điều mà chúng tôi mong mỏi nhất là nhận tiền bồi thường sớm để sửa chữa nhà cửa, chứ cứ thế này cuộc sống chúng tôi đảo lộn hết vì lo lắng”, chị Hạnh bức xúc nói.

Cản trở thi công do chưa được bồi thường

Công trình cầu sông Hiếu và đường 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư hơn 588,7 tỉ đồng với tổng chiều dài 5,94 km. Hiện, tuyến chính đoạn từ Quốc lộ 9 đến giao Quốc lộ 9 tuyến tránh phía Bắc đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 4,68 km. Riêng tuyến đường kẹp 2 bên mố cầu ở phía Bắc còn dang dở vì các hộ dân có nhà bị nứt cản trở và yêu cầu bồi thường, hỗ trợ trước khi tiếp tục thi công.

Thông tin từ UBND phường Đông Thanh cho biết, tình trạng rạn nứt nhà do ảnh hưởng từ việc thi công công trình cầu sông Hiếu và đường dẫn 2 đầu cầu xảy ra ở 15 hộ dân. Năm 2021, các hộ này đã viết đơn kiến nghị gửi phường, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay việc bồi thường chưa được giải quyết.

Theo Chủ tịch UBND phường Đông Thanh Võ Ngọc Nam, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Để giải quyết vướng mắc, địa phương gửi nhiều văn bản cho các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết sớm. Ngày 10/7/2023, phường đã có văn bản gửi Sở GTVT và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh kiến nghị sớm thực hiện việc chi trả kinh phí bồi thường cho hộ dân có nhà bị nứt do chấn động rung lắc trong quá trình xây dựng công trình cầu sông Hiếu theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, chưa có câu trả lời.

Tuyến đường gom nối từ đường đầu cầu sông Hiếu xuống đường Hoàng Diệu chưa thể triển khai vì các hộ dân cản trở và yêu cầu bồi thường nhà nứt trước khi thi công - Ảnh: L.T

Theo thông tin từ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh, công trình cầu sông Hiếu và đường dẫn 2 đầu cầu trước đây do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Sau khi ban được thành lập, dự án này được chuyển chủ đầu tư sang cho ban. Sau khi nhận kiến nghị của các hộ dân và UBND phường Đông Thanh về việc bồi thường, ban đã thuê đơn vị tư vấn tổ chức giám định, đánh giá mức độ ảnh hưởng do tác động quá trình xây dựng công trình đến nhà các hộ dân này.

Theo đó, đơn vị tư vấn cho rằng, nhà và các công trình phụ trợ của 15 hộ dân đã được xây dựng từ lâu, kết cấu đơn giản, hầu hết đã xuống cấp nên khi bị tác động của việc lu lèn gây rung lắc khi xây dựng công trình đã gây ra rạn nứt trên các ngôi nhà. Đơn vị tư vấn đã lập hồ sơ dự toán cho 15 hộ bị ảnh hưởng với kinh phí hỗ trợ khoảng 284 triệu đồng.

Việc bồi thường gặp khó khăn do hết thời gian bảo hiểm gói thầu

Để có kinh phí hỗ trợ bồi thường, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã phối hợp với Sở GTVT gửi nhiều văn bản cho UBND tỉnh, tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan để tìm hướng giải quyết. Đồng thời, công khai hồ sơ dự toán cho 15 hộ gia đình bị ảnh hưởng biết và có tờ trình gửi Sở Xây dựng đề nghị thẩm định, trình phê duyệt kinh phí hỗ trợ khắc phục.

Cụ thể, tại văn bản ngày 7/2/2023 gửi Sở Xây dựng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh đề nghị xem xét, tham mưu UBND tỉnh sử dụng thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh để hỗ trợ cho các hộ dân bị nứt nhà do ảnh hưởng việc thi công công trình cầu sông Hiếu.

Tuy nhiên, theo văn bản Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh vào ngày 11/4/2023, để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh xử lý vấn đề trên, Sở Xây dựng đã lấy ý kiến của Sở Tư pháp và Sở Tài chính về thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh và kinh phí bồi thường.

Theo đó, căn cứ các quy định, Sở Tư pháp có ý kiến cho rằng, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân theo quy định, nhưng không có quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc quyết định bố trí kinh phí ngân sách cấp tỉnh. Với các thông tin trên, tại văn bản này, Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh không có cơ sở để tham mưu UBND tỉnh sử dụng thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND tỉnh bố trí kinh phí bồi thường đối với 15 hộ dân bị ảnh hưởng trên. Hiện UBND tỉnh vẫn chưa có ý kiến chỉ đạo.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Trị, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Võ Phong Luân cho biết, do khó khăn về nguồn vốn nên công trình bị kéo dài, vốn bố trí hằng năm không đủ để thi công hoàn thành các gói thầu. Vốn chỉ ưu tiên bố trí để trả nợ đọng, vì vậy, không gia hạn được nên đã hết thời gian bảo hiểm gói thầu khiến kinh phí bồi thường cho người dân thiếu hụt.

“Cái khó khăn nữa là việc 15 hộ dân có nhà bị nứt do ảnh hưởng quá trình thi công cầu nằm ngoài phạm vi các hạng mục thuộc dự án cũng như diện tích thu hồi đất phục vụ công trình. Chúng tôi mong muốn các đơn vị liên quan, cơ quan chức năng quan tâm, sớm tìm hướng khắc phục, bồi thường cho người dân ổn định cuộc sống và để tiếp tục thi công tuyến đường gom nối từ đường đầu cầu sông Hiếu xuống đường Hoàng Diệu nhằm phát huy tối đa hiệu quả công trình”, ông Luân thông tin.

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/bao-gio-cac-ho-dan-co-nha-bi-nut-do-thi-cong-cau-song-hieu-duoc-boi-thuong/179485.htm