Báo động tình trạng 'sống ảo', 'câu like' Facebook

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng liên quan tình trạng sống ảo, trào lưu “câu like”, “nói là làm” trên facebook trong một bộ phận giới trẻ, như đủ like sẽ đánh nhau, tự thiêu, nhảy cầu và mới nhất là vụ nữ sinh tưới xăng đốt trường ở Khánh Hòa, rồi quay clip tung lên mạng xã hội. Nếu không tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, có định hướng sử dụng Internet và mạng xã hội cho học sinh thì những sự việc như trên là một hệ lụy lớn của xã hội. Các chuyên gia đã chia sẻ với Lao Động về vấn đề này.

GS. Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Cần xử lý nghiêm, tránh tạo tiền lệ xấu

Tôi nghĩ cần phải giáo dục học sinh làm sao có một ứng xử phù hợp. Cần có những biện pháp tuyên truyền tới các em để tránh được tình trạng sống ảo theo trào lưu trên mạng xã hội một cách đáng báo động như vậy. Mình cũng cần những hình thức kỷ luật, xử lý nghiêm đối với học sinh này. Đặc biệt, những người có hành vi ép buộc, kích động, thúc ép học sinh này tiến hành đốt trường thì cũng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nếu xét thấy có dấu hiệu nghiêm trọng thì có thể sẽ xử lý hình sự. Tôi cho rằng, cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe, tránh để đây là một tiền lệ cho một trào lưu không tốt.

Nữ sinh mang xăng đến đốt trường cấp 2 Phạm Ngũ Lão, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, sau khi tuyên bố trên Facebook “nói là làm” nếu được 1.000 like.

PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Nhà trường, gia đình cùng ngăn chặn trào lưu “sống ảo”

Giới trẻ hiện nay có tình trạng sống ảo trên mạng xã hội “nói là làm mà không hề suy nghĩ kỹ” là một trào lưu rất đáng báo động. Đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên thì các em còn chưa hiểu hết được cách ứng xử sao cho phù hợp, nên đôi khi còn nghe theo những hiện tượng sai trái.

Ứng xử như vậy là không đúng mà còn vi phạm pháp luật. Về việc này, theo tôi nghĩ nhà trường cần có những biện pháp giáo dục cho phù hợp, cần phổ biến, tuyên truyền nhiều hơn và có những chương trình ngoại khóa để các em không có những hành động lệch lạc, không bị kích động bởi trào lưu ảo. Bên cạnh đó thì cần hơn sự giáo dục, quản lý, hướng dẫn của gia đình. Chúng ta không thể cấm đoán các con sử dụng mạng xã hội, nhưng cần hướng dẫn để các con phân biệt được điều đúng sai, vai trò của gia đình trong việc này rất quan trọng.

Những học sinh thúc ép, xúi giục học sinh này thực hiện hành vi như vậy cũng là vi phạm pháp luật, cần phải có những biện pháp xử lý phù hợp. Thầy cô và phụ huynh cần quan tâm hơn tới con em mình. Khi phát hiện ra có những “dấu hiệu” như vậy thì cần phải vào cuộc ngăn chặn ngay tránh để xảy ra những hành động đáng tiếc.

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc chiến lược Trung tâm đào tạo Kỹ năng sống và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt: Cần ra cẩm nang hướng dẫn về văn hóa sử dụng mạng xã hội

Giới trẻ luôn muốn khẳng định bản thân và chứng tỏ cái tôi của mình, nhưng bản thân lại không có đủ nội lực để tạo ra sự chú ý, nên các em chọn hành vi gây sốc, mang tính thách thức cao với cộng đồng, trình diễn bản sắc cá nhân quá lố trên mạng xã hội…

Đây là bài toán khó của xã hội hiện nay. Mạng Internet thuộc phạm vi xã hội, không thuộc chuyên môn ở trường nên nhà trường khó có thể quản lý và hướng dẫn. Nhiều gia đình, phụ huynh hiện nay lại không theo kịp thời đại công nghệ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là cơ quan, đơn vị nào sẽ phụ trách việc hướng dẫn ở tầm vi mô cho người dùng mạng xã hội nói chung và lứa tuổi vị thành niên nói riêng?

Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Internet cần ra cẩm nang hướng dẫn về văn hóa khi sử dụng facebook cũng như các trang mạng xã hội khác nói chung. Nhà trường cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động, phong trào về học thuật, năng khiếu, để các em có sân chơi, có cơ hội thỏa mãn nhu cầu khẳng định mình, không phải chọn hình thức gây sốc thể hiện như trên mạng xã hội thời gian qua.

Ông Lê Tuấn Tứ - GĐ Sở GDĐT Khánh Hòa: “Giới trẻ lên mạng thách đố nhau là hành vi cần lên án. Những hành vi nông nổi như thế là chưa đúng thì chúng ta cần giáo dục các em, không bao che nhưng cũng không lên án thái quá”.

Ông Phan Văn Dũng - Phó GĐ Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa: “Trong các cuộc họp cũng như văn bản chỉ đạo của Sở GDĐT bao giờ cũng nhắc nhở rất nhiều lần về việc sử dụng mạng xã hội của giáo viên và học sinh. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường tăng cường tuyên truyền về việc sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.

Mạng xã hội hiện nay quá phức tạp và sự việc nữ sinh mang xăng tới đốt trường là điều đáng tiếc. Việc các chuyên gia về tâm lý có ý kiến đề xuất cơ quan quản lý về mạng Internet phát hành cẩm nang hướng dẫn các học sinh sử dụng mạng xã hội là rất hay. Chúng tôi rất ủng hộ và mong mỏi có cẩm nang này đưa vào các trường để phát cho học sinh. Bên cạnh định hướng cho các em, chúng tôi sẽ sử dụng cẩm nang này để tổ chức các buổi chuyên đề, cuộc thi tìm hiểu về mạng xã hội với trường học, giúp các em có thêm sân chơi mới. Vì nhiều khi giáo viên muốn nói về cách sử dụng mạng xã hội an toàn cho các em cũng không nói được. Họ có thể hiểu là mạng xã hội là phức tạp, còn định hướng như thế nào, ra sao thì cần có tài liệu hướng dẫn một cách cụ thể.

TRẦN VƯƠNG - NHIỆT BĂNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/bao-dong-tinh-trang-song-ao-cau-like-facebook-600556.bld