Báo động tình trạng rác thải nhựa đại dương

Hàng triệu mảnh vi nhựa được tìm thấy trên 1 mét vuông dưới đáy biển đã gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng rác thải nhựa đại dương hiện nay.

Các nhà khoa học tại Anh đã thu thập các mẫu trầm tích từ đáy biển Tyrrhenian, thuộc Địa Trung Hải và phân tích nhằm xác định những loại nhựa đang hiện diện. Theo đó, có tới khoảng 1,9 triệu mảnh nhựa trên 1 mét vuông.

Sau đó, nhóm tiến hành tạo mô hình các dòng hải lưu để xác định dòng chảy nào đang kiểm soát sự phân bố của các hạt vi nhựa. Họ kết luận, các dòng hải lưu chảy chậm không chỉ cung cấp oxy và dinh dưỡng cho các loài sinh vật biển, mà còn mang tới lượng lớn rác thải vi nhựa và tạo thành một “bãi rác ngầm dưới biển”.

Mảnh vi nhựa dưới đáy biển Tyrrhenian được phóng to. Ảnh: University of Manchester.

Người đứng đầu nghiên cứu, Giáo sư Ian Kane tại Đại học Manchester cho biết: “Hầu như mọi người đều biết đến các đảo rác nổi. Tuy nhiên, trên thực tế, đó chỉ là phần nhỏ so với lượng lớn vi nhựa tập trung dưới biển sâu. Các hạt vi nhựa không phân bố đồng đều, được các dòng hải lưu mạnh cuốn đi và tích tụ ở những vị trí nhất định.

Ông Mike Clare, đồng tác giả nghiên cứu, tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia Southampton nhận định: “Kết quả này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với mỗi quốc gia trong việc áp dụng các chính sách nhằm ngăn chăn dòng chảy vi nhựa xâm nhập và tác động tới hệ sinh thái đại dương”.

Nhóm nghiên cứu tin rằng, nếu xác định được các dòng hải lưu vận chuyển vi nhựa, họ sẽ giúp tìm thêm các “điểm nóng” vi nhựa khác.

Theo thống kê, mỗi năm có tới 10 triệu tấn rác thải nhựa được đổ xuống biển. Chỉ 1% trôi nổi trên bề mặt biển, trong khi 94% tập trung ở đáy đại dương. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết chúng sẽ “tập kết” ở đâu.

Giáo sư Florian Pohl tại Đại học Durham cho hay: “Trong tương lai, rác thải nhựa có thể sẽ trở thành 1 loại trầm tích mới cùng cát, bùn và các chất dinh dưỡng khác".

Biểu đồ giải thích nguồn gốc của vi nhựa từ hoạt động của con người rồi đổ ra biển sau đó được các dòng hải lưu cuốn đi và chìm xuống đáy biển. Nguồn: University of Manchester.

Các hạt vi nhựa là những mẩu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Chúng được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm làm sạch như sữa tắm, sữa rửa mặt, mỹ phẩm, kem đánh răng, nghiên cứu y sinh và ngành công nghiệp dầu khí… Những hạt siêu nhỏ này có thể lọt qua hệ thống lọc của các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và chảy xuống biển.

Tầng đáy biển cũng là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển như hải tiêu (loài động vật sống tại chỗ, trao đổi chất nhờ ống dẫn nước qua mang để cung cấp oxy và dinh dưỡng), cá… rất dễ nuốt phải các hạt vi nhựa. Điều đó cho thấy các chất ô nhiễm sau khi xuống biển vẫn không bị tiêu hủy mà tác động ngược lại hệ sinh thái biển.

MAI HÀ (theo Science Focus)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bao-dong-tinh-trang-rac-thai-nhua-dai-duong-617430