Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm ở các điểm du lịch

Liên tiếp những vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) xảy ra tại các điểm du lịch thời gian gần đây do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn khiến dư luận bất an. Một trong những nguyên nhân có thể do lượng khách tăng đột biến, khiến các điểm du lịch quá tải, dẫn tới không thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Những vụ ngộ độc dồn dập...

Sáng 19-7, hơn 70 du khách đang nghỉ dưỡng ở Phan Thiết, Bình Thuận bị NĐTP và được đưa đi cấp cứu. Đó là những du khách trong đoàn 800 khách là nhân viên của Công ty cổ phần Sài Gòn Food ở TP Hồ Chí Minh được Công ty Rồng Việt Travel tổ chức tour du lịch Mũi Né. Sau khi đoàn đến dự tiệc Gala tại nhà hàng của khu nghỉ dưỡng Sealink City Phan Thiết thì từ đêm khuya đến rạng sáng, nhiều người trong đoàn bị đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt cao... Ngay sau sự việc, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại TP Phan Thiết.

Trước đó khoảng một tuần, 119 du khách cũng bị ngộ độc nặng vì món tôm hấp ở nhà hàng Four Seasons nằm trên đường Trần Phú, TP Nha Trang. Kết quả xét nghiệm 7 mẫu thức ăn được lưu tại bếp của nhà hàng cho thấy, món tôm hấp dừa bị nhiễm vi khuẩn Clostridium perfringens cao gấp 550 lần cho phép. Những trường hợp NĐTP do nhiễm vi khuẩn này hầu hết là do thực phẩm nấu chưa chín. Người bị nhiễm vi khuẩn Clostridium perfringens có thể bị tiêu chảy trong vòng 8-16 giờ sau khi ăn thực phẩm…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2016, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã tổ chức kiểm tra tổng số hơn 344 nghìn cơ sở, trong đó phát hiện gần 57.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), thu phạt hơn 25,4 tỷ đồng. Riêng Cục ATTP (Bộ Y tế) đã xử lý 44 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng. Qua kiểm tra cho thấy, điều kiện vệ sinh ở các cơ sở chế biến thực phẩm, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ không bảo đảm. Việc kinh doanh, sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm, kinh doanh, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Nâng cao ý thức phòng tránh ngộ độc

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 400 bệnh lây qua thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn. Vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng… Đây cũng chính là môi trường lý tưởng khiến NĐTP gia tăng.

Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho rằng, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố, thực phẩm chế biến sẵn ở những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Nhiều loại thực phẩm ở đây không rõ nguồn gốc, thậm chí, hàng quán nằm ở vỉa hè, lề đường, bụi, nấm mốc và khí thải dễ nhiễm vào thực phẩm, khiến nguy cơ xảy ra ngộ độc rất cao. Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh nước giải khát, nước đá, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng biển, các khu du lịch có nhu cầu lớn càng làm tăng nguy cơ NĐTP, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), NĐTP được xác định do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút), nhiễm độc tố hoặc thực phẩm bị nhiễm hóa chất. Ngoài ra, có trường hợp bản thân thực phẩm đã chứa độc như: cá nóc, sò biển...

Để phòng tránh ngộ độc khi đi du lịch, ông Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo, du khách cần chú ý ăn những thức ăn được nấu chín và bảo quản đúng cách; hạn chế ăn các món tươi sống, nhất là thủy, hải sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Không nên sử dụng những thực phẩm, hoa quả chế biến sẵn bày bán tại các điểm du lịch, khu chợ. Chỉ nên dùng các thực phẩm chế biến sẵn trong bao gói bảo đảm và có ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Khi ăn uống tại các nhà hàng ở những khu du lịch, du khách hãy chọn món ăn tươi, chẳng hạn với món cá nên chọn cá sống đợi chế biến, rau nên chọn các loại rau củ vì rau lá khó bảo đảm vệ sinh nếu rửa không kỹ và không nên thử các món sống như: salad, gỏi… Lưu ý, chọn đồ luộc, không ăn các đồ xào nấu, hầm…, bởi đặc thù món luộc nếu thức ăn để lưu trữ lâu ngày rất dễ nhận thấy bằng cảm nhận như nhìn màu sắc không tự nhiên, mùi vị không thơm, mới... Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị NĐTP phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn. Đối với người bệnh, khi đột ngột có những triệu chứng như: Buồn nôn và nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Anh Tuân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/841840/bao-dong-tinh-trang-ngo-doc-thuc-pham-o-cac-diem-du-lich