Báo động ngộ độc từ ăn nấm dại

Chỉ trong 1 tháng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tiếp nhận 7 ca bệnh ngộ độc do ăn phải nấm độc. Trước tình trạng trên, ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên và chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền đến người dân cần cẩn trọng khi ăn nấm tự nhiên.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm. Ảnh: Lê Hường

Nhiều trường hợp ngộ độc nấm

Đầu tháng 7, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 2 chùm ca bệnh với 6 người, gồm 5 người lớn và 1 bệnh nhi bị ngộ độc do ăn nấm mọc từ xác ấu trùng ve sầu. Các bệnh nhân này đều trú tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm nhập viện, 3 bệnh nhân người lớn trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, tay chân yếu không cử động được. Các bệnh nhân còn lại có biểu hiện nhẹ hơn, tiếp xúc tỉnh, nói chuyện được nhưng yếu tay chân.

Bệnh nhân C.C.R chia sẻ: "Thấy người dân địa phương đào nấm, tôi và người thân cũng tìm quanh nhà, đào hơn chục cây nấm màu đỏ mọc từ xác nhộng ve sầu rồi nấu lên ăn, vì nghĩ rằng, mấy cây nấm này là thức ăn bổ dưỡng giống như đông trùng hạ thảo". Sau khi ăn khoảng 2 giờ, 3 người trong gia đình anh R có biểu hiện bủn rủn chân tay, nôn ói, đau bụng, đi cầu lỏng và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cấp cứu và chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Cùng thời điểm đó, một nhóm bệnh nhân gồm 3 người khác cũng bị ngộ độc do ăn nấm từ nhộng ve sầu phải nhập Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Trước đó không lâu, một người đàn ông ở tỉnh Đắk Nông cũng bị ngộ độc do ăn nấm lạ phải đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Đó là Y.Đ.W.P ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Điều đáng nói, bệnh nhân này bị ngộ độc rất nặng, hôn mê phải thở máy và lọc máu. Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân cung cấp, anh Y.Đ.W.P đi rẫy làm cỏ và hái một số nấm mọc ở rẫy về nấu ăn. Sau đó, anh P có biểu hiện đau bụng, rồi nôn ói, người nhà phải cho uống thuốc.

Hai ngày sau, anh P đau bụng dữ dội nên gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cư Jút để điều trị, rồi lại tiếp tục chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Từ kết quả các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh P bị ngộ độc nấm không rõ loại, nhiễm trùng tiêu hóa, tổn thương gan, thận cấp, bệnh thận mạn, tăng huyết áp và được chỉ định lọc máu gấp.

Tích cực tuyên truyền ngăn ngừa ngộ độc từ nấm

Trước tình trạng người dân vùng sâu, vùng xa bị ngộ độc do ăn phải nấm độc, chính quyền địa phương và ngành y tế các cấp đã có nhiều khuyến cáo gửi đến người dân.

Ông Cao Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Cư Kbang thông tin, địa phương có 6 trường hợp bị ngộc do ăn nấm mọc từ xác ve sầu. Các trường hợp bị ngộ độc đã ổn định sức khỏe, trở về địa phương. Sau khi sự việc 6 người dân trên địa bàn bị ngộ độc do ăn phải nấm, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức họp Ban Chấp hành, mời trạm y tế xã báo cáo tình hình. Đồng thời, mời đội ngũ y tế thôn, buôn quán triệt việc tăng cường vận động, tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân không tự ý lấy nấm ngoài tự nhiên về ăn khi không biết rõ nguồn gốc nấm.

Nấm độc mọc từ xác ve sầu. Ảnh: Lê Hường

Bên cạnh đó, xã cũng mời các trưởng thôn lên để quán triệt và có văn bản chỉ đạo tăng cường tuyên truyền tại các thôn để nâng cao nhận thức của người dân. Bây giờ thì người dân cơ bản hiểu được mức độ nguy hiểm của việc ăn nấm tự nhiên không rõ nguồn gốc và không lấy nấm mọc từ xác ve sầu nữa.

Các loại nấm thường xuất hiện vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm người dân sinh sống ở vùng nông thôn, vùng rừng núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đi hái nấm mọc tự nhiên về nấu ăn. Tuy nhiên, nhiều người dân không phân biệt được loại nấm có độc và nấm không độc nên đã ăn nấm có độc và phải đi bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Thiên Phúc, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khuyến cáo: Các loại nấm mọc lên từ đất trong tự nhiên mà không rõ loại đều có khả năng gây ra tình trạng ngộ độc. Nhẹ thì nôn, ói, đi cầu lỏng, nặng thì tổn thương gan, thận, thần kinh gây hôn mê, thậm chí là tử vong. Vì vậy, người dân không nên tự ý ăn các loại nấm không rõ nguồn gốc, các loại nấm có màu sắc sặc sỡ, không nên nhầm lẫn nấm mọc từ ấu trùng ve sầu là thức ăn bổ dưỡng đông trùng hạ thảo. Muốn sử dụng đông trùng hạ thảo, người dân cần phải mua sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng. Trong trường hợp ăn nấm có dấu hiệu ngộ độc phải đến ngay trung tâm y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Phúc An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-dong-ngo-doc-tu-an-nam-dai-post463734.html