Bảo đảm chất lượng nghệ thuật các không gian đi bộ

Các không gian đi bộ đang tạo động lực thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế đêm tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là những địa bàn trọng điểm về du lịch như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh...

Cầu dành cho người đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Các phố đi bộ thường có nhiều hoạt động khác nhau, từ trưng bày, giới thiệu nghệ thuật, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến ẩm thực... nhưng phổ biến nhất là tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật, thể thao.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề đáng bàn. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, phố đi bộ Bùi Viện từng xảy ra tình trạng những cô gái “mượn danh” hoạt động khiêu vũ rồi ăn mặc hở hang, nhảy những điệu nhảy khiêu gợi. Chính quyền địa phương đã xử phạt bốn cơ sở với số tiền hơn 200 triệu đồng mới chấm dứt được tình trạng này. Song, nhiều hoạt động nghệ thuật khác chưa được quan tâm đúng mức.

Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội có một số địa điểm được chính quyền đứng ra tổ chức các hoạt động biểu diễn âm nhạc, triển lãm nghệ thuật..., đồng thời, cũng có những địa điểm người dân đến và tự biểu diễn. Trong đó, có những địa điểm mà chất lượng nghệ thuật có thể coi là rất đáng ngại. Điển hình như một nhóm nhạc thường chơi ở hè phố Lê Thái Tổ gần ngã ba phố Báo Khánh. Nhiều năm nay, nhóm nhạc này chỉ chơi quanh đi quẩn lại vài bài quen thuộc. Họ chơi nhạc điện tử, dùng tăng âm phát nhạc qua loa. Âm thanh phát ra ồn ào đến chói tai.

Thay vì thưởng thức, nhiều người đi bộ đến đây phải đi vòng để tránh phải “cưỡng chế nghe”. Trong khi đó, khu vực trước đình Kim Ngân (số 42-44 phố Hàng Bạc) là nơi biểu diễn nghệ thuật truyền thống thì khán giả cũng ngạc nhiên khi không ít bản nhạc dân tộc rất hay nhưng được chơi theo kiểu sáo một đằng, đàn một nẻo, nếu biết một chút về âm nhạc, có thể nhận thấy không ít nốt bị chơi sai. Điều đáng tiếc là có một số địa điểm có chất lượng nghệ thuật khá tốt, điển hình như sân khấu hát xẩm tại khu vực tượng đài Lê Thái Tổ (Nhóm Xẩm Hà thành thực hiện), sân khấu hát tuồng ở khu vực phố Mã Mây (Nhà hát Tuồng Trung ương)… đang được công chúng đón nhận bỗng nhiên lại bị thay thế bằng các đơn vị biểu diễn khác. Việc đảo, đổi các đơn vị nghệ thuật, các không gian biểu diễn sẽ giúp công chúng đỡ nhàm chán. Song, nếu không có sự xem xét, thẩm định kỹ càng thì rất dễ dẫn đến việc “đổi nhầm” đối tượng.

Mỗi không gian đi bộ có những đặc trưng riêng. Tại Hà Nội, phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) chủ yếu là nơi diễn ra các hoạt động văn nghệ quần chúng, các hoạt động trưng bày, triển lãm mang tính địa phương. Không gian văn hóa-sáng tạo quận Tây Hồ (quận Tây Hồ) vừa có sự kết hợp giữa văn nghệ quần chúng với các tiết mục của các nghệ sĩ chuyên nghiệp... và một số hoạt động trưng bày, triển lãm khác.

Với những không gian này, công chúng không quá khắt khe. Riêng với hồ Hoàn Kiếm, là không gian có giá trị văn hóa đặc biệt, là địa điểm khách du lịch trong và ngoài nước luôn ghé thăm khi đến Thủ đô. Điều đó đòi hỏi chất lượng nghệ thuật cần được quan tâm hơn. Trong dòng người đổ đến các không gian đi bộ, có rất nhiều người “tinh” về nghệ thuật. Các hoạt động chất lượng thấp đương nhiên sẽ làm “mất điểm” trong lòng du khách. Tương tự với các tỉnh, thành phố khác, những không gian đi bộ là điểm nhấn về du lịch và kinh tế đêm của địa phương, cần có sự quan tâm sát sao hơn về công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, quản lý chất lượng nghệ thuật. Nếu không, những hoạt động biểu diễn nghệ thuật không những không tạo nên không gian nghệ thuật cho cộng đồng, mà còn gây ra sự phản cảm.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-dam-chat-luong-nghe-thuat-cac-khong-gian-di-bo-post808826.html