Bảo đảm các điều kiện cho năm học mới - Bài cuối: Củng cố đội ngũ giáo viên

Nhằm kịp thời bổ sung giáo viên cho năm học mới trong điều kiện học sinh tăng cao, Thành phố Hồ Chí Minh rốt ráo tuyển dụng hàng ngàn giáo viên các cấp học. Cùng với đó, Thành phố triển khai các giải pháp nâng chất lượng, nâng chuẩn đào tạo cho đội ngũ giáo viên hiện có để đáp ứng yêu cầu dạy học.

Giáo viên trường Mầm non Sơn Ca 14 (quận Phú Nhuận) dạy trẻ nhận biết đồ vật. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Nhu cầu lớn về số lượng giáo viên

Trước yêu cầu của việc tăng số lượng học sinh khi được đầu tư xây thêm phòng học mới, Trường Tiểu học Nguyễn Trực (Quận 8) tiếp tục thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học. Cô Lê Thị Thu Vân, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, tình trạng này đã diễn ra từ những năm học trước khi hai môn này trở thành môn bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Năm nay, chương trình mới tiếp tục được triển khai đến lớp 4, nhu cầu giáo viên hai môn này càng tăng lên.

Tình trạng thiếu giáo viên môn Lịch sử và Địa lý tại Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) diễn ra từ năm học trước, đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Năm học vừa qua, cả hai khối 6 và 7 của trường chỉ có một giáo viên đứng lớp hai môn. Năm nay, thêm khối lớp 8 triển khai chương trình mới, nhu cầu giáo viên cho môn học này càng tăng lên. Theo thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng nhà trường, năm học trước, trường đăng ký với quận tuyển giáo viên nhưng không có ứng viên đăng ký. Năm học này, trường tiếp tục đăng ký tuyển giáo viên cho hai môn, dự kiến cuối tháng 8 sẽ có kết quả tuyển dụng. Dù không tuyển được giáo viên được đào tạo chính quy dạy hai môn tích hợp (Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý) do lứa sinh viên này chưa ra trường nhưng đội ngũ giáo viên hiện có của trường cơ bản đáp ứng tốt các yêu cầu dạy học theo chương trình mới bởi các thầy, cô đều được tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ.

Bước vào năm thứ 2 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc Trung học Phổ thông nhưng Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1) không thể tổ chức dạy học môn Âm nhạc, Mỹ thuật do không có giáo viên. Tương tự, nhiều trường Trung học Phổ thông khác trên địa bàn không thể tổ chức được môn hai môn tự chọn này dù có học sinh đăng ký. Một số trường khác, để tổ chức dạy học các môn nghệ thuật đáp ứng nhu cầu học của học sinh, các trường phải ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên ở ngoài.

Năm học 202 3- 2024, Thành phố có nhu cầu tuyển 4.466 giáo viên các bậc học. Hiện nhiều quận, huyện vẫn đang trong quá trình tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục cho năm học mới.

Tại quận Bình Tân, công tác tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục có kết quả khá tốt khi số ứng viên đăng ký gấp đôi nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật vẫn trong tình trạng thiếu giáo viên. Số lượng giáo viên hiện có ở các môn này tại quận cũng cơ bản giải quyết được được nhu cầu của các trường trên địa bàn qua hình thức thỉnh giảng, liên kết, ký hợp đồng ngắn hạn... Tương tự, ở bậc Trung học Phổ thông, kết thúc đợt 1 kỳ thi tuyển dụng giáo viên do Sở tổ chức vừa qua cho thấy, mặc dù nguồn tuyển được mở rộng ở nhiều địa phương khác nhưng các môn nghệ thuật vẫn chật vật trong tuyển giáo viên. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật đều có số ứng viên đăng ký thấp hơn chỉ tiêu giáo viên cần tuyển.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh… là những môn học đặc thù và thiếu nhiều giáo viên nhất, ở các bậc học. Bên cạnh thiếu nguồn tuyển do số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm từ các trường đào tạo giáo viên hạn chế, còn có một phần nguyên nhân do chính sách đãi ngộ cho giáo viên hiện chưa thu hút sinh viên ra trường đến với nghề dạy học.

Giải quyết thực trạng này, cùng với việc “đặt hàng” đào tạo từ các trường Đại học, ngành Giáo dục Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo số giáo viên theo yêu cầu. Ngành huy động giáo viên có trình độ, năng lực phù hợp theo quy định, ở hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở các cấp học dưới lên dạy bậc Trung học Phổ thông; ngoài hình thức thi tuyển, Thành phố bổ sung thêm hình thức ưu tiên xét tuyển với những đối tượng sinh viên xuất sắc, với các trường hợp có kinh nghiệm công tác và trình độ phù hợp với nhu cầu tuyển dụng… Mặt khác, nếu không đủ nguồn nhân sự tại chỗ, các đơn vị có thể liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng ngắn hạn theo quy định; các đơn vị không phân công công tác kiêm nhiệm đối với giáo viên của các môn học còn thiếu giáo viên.

Nâng chất lượng đội ngũ giáo viên hiện hữu

Cùng với nỗ lực tuyển đủ giáo viên đứng lớp, ngành Giáo dục Thành phố phối hợp với các trường Đại học trên địa bàn tổ chức đào tạo nâng chuẩn, bồi dưỡng giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng đội ngũ đứng lớp. Hiện tỷ lệ giáo viên các trường học của Thành phố đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục khá cao. Tính đến cuối năm học 2022 - 2023, bậc Mầm non có 80% giáo viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; bậc Tiểu học có 78,5% giáo viên có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; Trung học Cơ sở có 93,2% giáo viên có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Theo kế hoạch mới được UBND Thành phố phê duyệt, năm học 2023 - 2024, mỗi quận, huyện sẽ phân bổ 30 - 40% giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo tham gia khóa học nâng chuẩn.

Cùng với nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, Thành phố chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề hằng năm cho cán bộ quản lý và giáo viên. Sở phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành các module bồi dưỡng cho giáo viên để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học tại Thành phố căn bản được chuẩn hóa thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Dù vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá trong đội ngũ giáo viên Thành phố vẫn còn tồn tại nhưng hạn chế nhất định, như chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học dẫn đến vẫn chưa kịp thời đổi mới trong thời đại giáo dục hội nhập quốc tế.

Cùng với triển khai các giải pháp nâng chuẩn giáo viên, nhiều năm nay, ngành Giáo dục Thành phố nỗ lực đề xuất, triển khai các chính sách nhằm thu hút, giữ chân giáo viên cho từng cấp học và đối với các vị trí giáo viên những bộ môn thiếu nguồn tuyển dụng nói riêng. Bên cạnh các chính sách chung, Thành phố đang triển khai nhiều chính sách riêng nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên. Trong đó, Thành phố hỗ trợ thêm 25% tiền lương/tháng do tính chất công việc cho cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non; với giáo viên Mầm non mới ra trường được hỗ trợ trong ba năm đầu làm việc, năm thứ nhất 100%, năm thứ hai 70%, năm thứ ba 50% lương cơ sở/tháng, từ năm thứ 4 thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành.

Từ hiệu quả của chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, Thành phố dự kiến tiếp tục xây dựng đề án về chế độ hỗ trợ đối với cấp Tiểu học; những năm tiếp theo sẽ xây dựng chế độ hỗ trợ đối với từng cấp học còn lại.

Thu Hoài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/bao-dam-cac-dieu-kien-cho-nam-hoc-moi-bai-cuoi-cung-co-doi-ngu-giao-vien-20230818150233300.htm