Bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết

Đã thành lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhu cầu đi lại của người dân lại tăng cao đột biến. Dịp này cũng phát sinh các loại xe dù, bến cóc, giành giật, "vợt" khách, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Trong những ngày lễ, Tết, một bộ phận thanh niên, thiếu niên thường rượu chè quá chén, tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba, chở bốn phóng bạt mạng trên đường, khiến nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng tăng cao. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động được nghỉ tới chín ngày. Thời gian nghỉ dài ngày, vấn đề bảo đảm ATGT trong dịp Tết rất cần được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.

Bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết và mùa lễ hội Xuân 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ: Giao thông vận tải, Công an, UBND các địa phương và Ủy ban ATGT quốc gia thực hiện quyết liệt, liên tục các giải pháp trong đợt cao điểm từ ngày 16-12-2012 đến ngày 15-3-2013. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ở các địa phương trong cả nước, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT đến mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông; khuyến cáo các biện pháp phòng, tránh TNGT và giáo dục ý thức tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông; kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trật tự ATGT và chủ động phương án phòng, chống đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ...

Do đợt nghỉ Tết kéo dài, để người dân đi lại, du Xuân vui vẻ, an toàn, lực lượng cảnh sát giao thông cần xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng kiểm soát giao thông trong các ngày cao điểm, đặc biệt chú trọng khu vực đô thị lớn, các tuyến quốc lộ mật độ phương tiện cao. Các đơn vị vận tải phải huy động cao nhất về phương tiện vận chuyển, nhất là tuyến bắc - nam, giải tỏa hành khách tại các bến tàu xe, nhà ga. Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, không lợi dụng tăng giá cước bất hợp lý, phối hợp cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý triệt để các trường hợp xe nhồi nhét khách, chở hàng cấm, các điểm có nguy cơ gây mất ATGT trên tuyến. Các trường đại học, cao đẳng cần chủ động liên hệ với doanh nghiệp vận tải mua vé, bố trí lịch nghỉ Tết cho sinh viên phù hợp, tránh gây căng thẳng tại các đầu mối giao thông. Chính quyền địa phương phải siết lại trật tự trong quản lý sử dụng lòng đường, vỉa hè, phân luồng giao thông và điều tiết giao thông nơi diễn ra lễ hội lớn, đề cao trách nhiệm của cơ sở trong giám sát hoạt động chở khách ở các bến đò ngang, các điểm du lịch. Những công trình đang thi công phải có phương án hoàn trả mặt đường cho người và phương tiện đi lại, không để xảy ra ùn tắc; bổ sung hệ thống biển báo tại khu vực đèo dốc nguy hiểm, nơi có nguy cơ xảy ra TNGT. Các cấp đoàn thanh niên cần thành lập và duy trì hoạt động của các đội thanh niên tình nguyện, xung kích tham gia ứng cứu khi có tai nạn xảy ra, phát động thi đua trong đoàn viên thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Cơ quan, đơn vị chủ chốt được giao nhiệm vụ bảo đảm ATGT cần thiết lập và công khai đường dây nóng, tiếp nhận và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh do nhân dân phản ánh.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/cung-suy-ngam/b-o-m-an-toan-giao-thong-d-p-t-t-1.387542