Bảo đảm an toàn cho người dạy và người học

Sau khai giảng, nhiều địa phương tổ chức cho học sinh đến trường học tập. Bên cạnh việc bảo đảm kế hoạch dạy học, các trường còn đặc biệt chú trọng các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho người dạy, người học. Dịch còn phức tạp, các địa phương, cơ sở giáo dục cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là những trường có đông học sinh, tổ chức bữa ăn bán trú.

Giờ học tại Trường THCS Đức Xuân, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến ngành giáo dục khi cả giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn về đời sống và trong hoạt động học tập. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường giáo dục an toàn, thuận lợi cho người dạy, người học là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và toàn xã hội.

Cùng với cả nước, sáng 5/9, hơn 144 nghìn học sinh các cấp tỉnh Đắk Nông bước vào khai giảng năm học mới. Tuy nhiên, trong ngày khai giảng, qua kiểm tra y tế đã phát hiện một học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Đắk R’Lấp (huyện Đắk R’Lấp) dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến ngày 7/9, sau 3 ngày xuất hiện ca bệnh đầu tiên, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 80 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng liên quan ổ dịch tại huyện Đắk R’Lấp.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Giáo dục và Đào tạo) Đắk Nông Nguyễn Văn Toàn cho biết, sau khi phát hiện ca bệnh là học sinh, Sở đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động dạy và học trực tiếp trong toàn tỉnh. Ngành giáo dục đã tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông các phương án dạy và học trong thời gian tới, trong đó chú trọng sự linh hoạt đối với “vùng xanh” và từng trường học, cấp học cụ thể; mở rộng vùng xanh tối đa khi điều kiện trường học bảo đảm an toàn để thực hiện dạy và học trực tiếp.

Là địa phương đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới nhưng tỉnh Bắc Kạn tập trung chỉ đạo các địa phương, ngành giáo dục giữ vững thành quả chống dịch, quyết tâm giữ vùng xanh ở từng trường, lớp để góp sức duy trì vùng xanh cả tỉnh. Chúng tôi theo chân các em học sinh Trường THCS Đức Xuân (TP Bắc Kạn) tới lớp vào sáng 7/9. Tất cả các em học sinh tự đi hoặc được phụ huynh đưa tới trường đều đeo khẩu trang, thực hiện đầy đủ khuyến cáo 5K.

Tại cổng trường, các thầy, cô giáo đứng chờ, yêu cầu từng em sát khuẩn tay trước khi vào trường. Từng lớp học được bật quạt, mở rộng cửa sổ để tạo sự thông thoáng. Trong giờ học, các em học sinh đeo khẩu trang đầy đủ, hạn chế tập trung đông giờ ra chơi.

Năm học mới này, ngoài 16 lớp và 715 học sinh, Trường THCS Đức Xuân còn tiếp nhận hơn 500 học sinh với 13 lớp từ Trường THCS Bắc Kạn do trường này đang phải sửa chữa lớn, chống úng ngập nghiêm trọng trong mùa mưa lũ. Số lượng học sinh tăng gần gấp đôi trong khi cơ sở vật chất không thay đổi đặt ra yêu cầu rất cao về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Đức Xuân Chu Thị Thanh Huyền, trước khi bước vào năm học mới, trường đã phun khử khuẩn toàn bộ cơ sở vật chất. Sau khi có quyết định về việc tiếp nhận hơn 500 học sinh thuộc diện học gửi, nhà trường đã lên phương án bố trí lớp học, chia thành hai ca học, bảo đảm không có sự chồng chéo.

Nhà trường yêu cầu tới từng phụ huynh phải có trách nhiệm theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh, đo thân nhiệt hằng ngày, thông báo kịp thời tới giáo viên chủ nhiệm. Phụ huynh muốn vào trường phải đo thân nhiệt, khai báo y tế, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu…

Tại các trường, lớp học ở các huyện miền núi khác, công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi đi học trực tiếp cũng được thực hiện nghiêm túc. Hiệu trưởng Trường THPT Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) Long Văn Phú cho biết, trường có 325 học sinh đến từ các xã khu vực phía Bắc của huyện, giáp ranh với tỉnh Cao Bằng.

Để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, trường đã thành lập Ban Chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc quy định, hướng dẫn của tỉnh và cơ quan chuyên môn. Do học sinh ở nhiều xã khác nhau cho nên nhà trường quán triệt, yêu cầu phụ huynh và từng học sinh khai báo y tế trung thực mỗi khi đến trường.

Theo Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú Pác Nặm (huyện Pác Nặm) Dương Văn Hải, ngay từ khi đón các em vào năm học mới, ở nội trú, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch và khuyến cáo 5K. Các em bước đầu được nhà trường hỗ trợ khẩu trang, dung dịch sát khuẩn.

Do chỉ có một nhà ăn tập trung nên để bảo đảm an toàn, nhà trường đã tổ chức chia giờ ăn thành nhiều ca, mỗi ca chỉ một lớp. Đồng thời, để hạn chế các em ra khỏi trường ăn sáng như lúc chưa có dịch, nhà trường đã tổ chức nấu ăn thêm bữa sáng để phục vụ.

Ngoài ra, từ khi nhập học, nhà trường yêu cầu học sinh không về nhà vào ngày nghỉ mà ở lại trường. Giáo viên chủ nhiệm từng lớp thông tin, khuyến cáo cho phụ huynh học sinh không đến trường thăm con nếu không có việc quan trọng, đột xuất.

Thái Bình là một trong tám tỉnh, thành phố không ghi nhận ca mắc Covid-19 lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, cho nên học sinh phổ thông (từ lớp 1 đến 12) tựu trường ngày 23/8; riêng bậc mầm non tựu trường ngày 1/9; khai giảng ngày 5/9.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, sau 2 tuần, kể từ ngày tựu trường đối với học sinh phổ thông và gần một tuần đối với trẻ em, học sinh mầm non, các cơ sở giáo dục đã và đang thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch và thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục. Nhiều cơ sở giáo dục đã tận dụng tối đa thời gian học sinh học trực tiếp tại trường để triển khai dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần; nhiều giáo viên đã xây dựng kế hoach bài dạy theo hai hình thức (dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến) để sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh.

Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang Trần Tuấn Nam, hiện nay, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, các địa phương trong tỉnh hầu hết đều thuộc “vùng xanh”.

Cuối tháng 8/2021, chuẩn bị khai giảng năm học mới, Sở đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong các trường học trên địa bàn, trong đó hướng dẫn chi tiết các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học, cách xử trí tình huống liên quan đến người nghi nhiễm, khi xuất hiện F0, F1, F2; trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch.

Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang chỉ đạo các cơ sở giáo dục các cấp học vận dụng kịch bản tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trong tình hình dịch được kiểm soát. Đồng thời, chỉ đạo các trường chủ động chuẩn bị các điều kiện bảo đảm tổ chức dạy học trực tuyến để phòng tình huống dịch có thể bùng phát để không bị động.

Vụ trưởng Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thanh Đề cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học gồm 15 tiêu chí. Bộ tiêu chí nói trên được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Quỹ Nhi đồng LHQ và tham khảo ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế để xây dựng.

Trong bộ tiêu chí này, có bảy tiêu chí để đánh giá mức độ an toàn khi khi học sinh đến trường như: Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học... Nếu cơ sở giáo dục đạt từ 7 tiêu chí trở xuống sẽ bị đánh giá là ”thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng các tiêu chí cụ thể gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, làm cơ sở đánh giá mức độ an toàn của nhà trường khi cho học sinh đi học trở lại…

QUÝ TÙNG - TUẤN SƠN - CHẤN HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-giao-duc/bao-dam-an-toan-cho-nguoi-day-va-nguoi-hoc-663987/