Báo chí Hàn Quốc: PVFC và một số DN Nhà nước đứng đằng sau thương vụ mua lại khách sạn Daewoo!

Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, UBND TP. Hà Nội đã đồng ý về chủ trương cho phép hai bên thực hiện thương vụ này.

Tuy nhiên, ông Tứ cũng thông tin là, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội chưa nhận được hồ sơ của nhà đầu tư xung quanh việc chuyển nhượng dự án này.

“Về nguyên tắc, khi nhà đầu tư hoàn tất việc mua bán, thanh toán xong giá trị thương vụ, nộp hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, chúng tôi mới tiến hành các thủ tục công nhận chủ đầu tư mới cho Dự án”, ông Tứ nói.

Theo ông Tứ, giá trị thương vụ khoảng 100 triệu USD. Còn theo báo chí Hàn Quốc, Công ty Hanel đã được bảo đảm tài chính để thực hiện thương vụ này từ Công ty Tài chính cổ phần Dâu khí (PVFC) và một số doanh nghiệp nhà nước khác.

Cũng phải nói thêm, cho tới thời điểm này, cả hai nhà đầu tư này đều chưa lên tiếng xác nhận thương vụ.

Khách sạn Hanoi Daewoo được xây dựng từ năm 1996, với tổng diện tích 29.500 m2. Khách sạn này nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội, có một vị trí rất đắc địa và là một trong những khách sạn 5 sao đầu tiên được xây dựng ở Hà Nội.

Vào đầu năm 2011, Daewoo đã dự tính chuyển nhượng Khách sạn cho Lotte, một tập đoàn lớn khác của Hàn Quốc, tuy nhiên vào tháng 7/2011, Hanel đã sử dụng quyền ưu tiên mua lại vốn góp của đối tác vì là một bên liên doanh.

Daewoo hiện là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, là nhà thầu chính của Dự án Khu chung cư Văn Phú Cleve tại Hà Đông, Hà Nội. Ngoài Khách sạn Daewoo, Daewoo E&C cũng thành lập 2 liên doanh với Hanel vào năm 2004. Đó là Liên doanh điện tử Hanel và Liên doanh Daewoo - Hanel để phát triển Dự án Khu công nghiệp Sài Đồng A. Tuy nhiên, Dự án Khu công nghiệp đã bị rút giấy phép từ năm 2006, sau khi Daewoo không tìm được nguồn vốn để thực hiện.

Nếu thành công, thương vụ Hanel mua lại 70% vốn góp của đối tác Daewoo E&C (Hàn Quốc) trong Khách sạn Daewoo tại Hà Nội sẽ là thương vụ thâu tóm ngược đình đám năm 2012 của doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực khách sạn, resort.

Năm ngoái, thương vụ Công ty Thiên Minh mua lại hệ thống Victoria Hotels & Resorts của Công ty EEM Victoria - Hồng Kông với trị giá khoảng 45 triệu USD, dù chỉ bằng phân nửa so với thương vụ Hanel - Daewoo, cũng tạo nên tiếng vang lớn.

Rồi Tập đoàn BRG vốn được biết đến với việc sở hữu một loạt tài sản lớn như 2 sân golf ở Đồ Sơn Hải Phòng và Sóc Sơn… cũng gây bất ngờ khi âm thầm mua lại Khách sạn Hilton Opera.

Tập đoàn Sovico cũng trở nên nổi tiếng trên thị trường mua bán - sáp nhập khi mua lại toàn bộ cổ phần của liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An (gồm Công ty Du lịch Đà Nẵng và Tập đoàn Lai Sun Hồng Kông).

Trước đó, Dự án sân golf 36 lỗ ở Củ Chi vốn của Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn, Hàn Quốc (GS Engineering & Construction Corp.,) bỗng xuất hiện trên website của C.T Group với tên gọi mới là C.T Sphinx Golf Club & Residences...

Có thể mỗi thương vụ có những vấn đề riêng của nó, song có vẻ như một giai đoạn mới cho các đại gia Việt trong cuộc cạnh tranh tạo dựng thương hiệu đang mở ra. Nguồn: Nguyễn Đức, Đầu Tư

Tin mới:

09/04/2012 08:31 - Quý I/2013 bàn giao trên 1000 căn hộ tại KĐT Dương Nội 05/04/2012 14:03 - Ngày 16/4 Sudico đại hội cổ đông bất thường

Tin cũ:

30/03/2012 16:46 - Chủ tịch Hà Nội: Sẽ kiểm tra việc bán nhà tái định cư Constrexim 30/03/2012 16:41 - Hà Nội làm cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Đại cồ Việt - Trần Khát Chân, Bạch Mai - Lê Thanh Nghị 30/03/2012 16:38 - HUD3 xây chung cư Linh Đàm, 60 Nguyễn Đức Cảnh và KĐT Kiến Hưng

Trang trước Trang sau

Nguồn Thongtinduan.vn: http://thongtinduan.vn/index.php?catid=1:thong-tin-d-an&id=5827:bao-chi-han-quc-pvfc-va-mt-s-dn-nha-nc-ng-ng-sau-thng-v-mua-li-khach-sn-daewoo&Itemid=2&option=com_content&view=article