Báo cáo Ủy ban An ninh hàng không vụ tàu bay bị va chạm, móp đầu

Ngày 25-10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, liên quan sự cố tàu bay quốc tịch Việt Nam Airbus A321 neo bị móp mũi che ra-đa trong hành trình bay từ TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc, Bộ đã có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

NDĐT – Ngày 25-10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, liên quan sự cố tàu bay quốc tịch Việt Nam Airbus A321 neo bị móp mũi che ra-đa trong hành trình bay từ TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc, Bộ đã có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Trước đó, ngày 16-10, tàu bay Airbus A321-271N, số đăng ký VN-A607, thực hiện chuyến bay VJ331 từ TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc. Khi tàu bay hạ cánh, nhân viên kỹ thuật phát hiện chóp mũi che ra-đa thời tiết của tàu bay bị móp một vết, nhưng không có biểu hiện va đập của chim.

Theo báo cáo của cơ trưởng, trong quá trình bay, tàu bay gặp mưa to kết hợp mây giông và tàu bay có biểu hiện rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế, thời tiết không có biểu hiện mưa đá.

Trước đó, hôm 20-9, tàu bay Boeing 737 của hãng hàng không T'way Air (Hàn Quốc) cũng gặp phải hiện tượng tương tự khi hạ cánh tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, khoảng 0 giờ 6 phút ngày 20-9, Đài kiểm soát không lưu khu vực phía Nam thông báo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất về trường hợp máy bay 737 thực hiện chuyến bay TW 123 từ Seoul (Hàn Quốc) đến TP Hồ Chí Minh bị gặp trục trặc kỹ thuật và xin trợ giúp mặt đất khi hạ cánh.

Kết quả kiểm tra, nhân viên kỹ thuật đã phát hiện tàu bay bị móp và rách chóp mũi che ra-đa thời tiết, gây hư hỏng nặng.

Thời điểm hiện tại, hai sự cố tàu bay trên vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra. Do không tìm thấy dấu vết va đập của chim ở trong hai vụ nêu trên, nhiều chuyên gia nghi ngờ có khả năng tàu bay đã bị va chạm với phương tiện bay không người lái.

Tại báo cáo của Bộ GTVT cũng nêu: "Hiện nay tại Việt Nam, hoạt động của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang dần trở lên phổ biến, chủ yếu qua hình thức các thiết bị bay điều khiển từ dưới đất để chụp ảnh, quay phim (flycam)".

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, phương tiện bay không người lái được phát triển đa dạng, sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực mang lại lợi ích trong đời sống kinh tế - xã hội. Về khoa học, công nghệ, phương tiện này liên tục được cải tiến, nâng cấp, dễ sử dụng, có giá thành rẻ.

Tuy nhiên, do đặc điểm nhẹ, dễ vận chuyển, điều khiển và lắp ráp, sử dụng, giá thành rẻ, công tác quản lý chưa chặt chẽ nên phương tiện bay không người lái cũng là thiết bị uy hiếp an toàn hoạt động hàng không, gây thiệt hại lớn đối với hoạt động hàng không dân dụng do sự chủ quan của người sử dụng.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42026002-bao-cao-uy-ban-an-ninh-hang-khong-vu-tau-bay-bi-va-cham-mop-dau.html