Báo cáo sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Ngày 22/4/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo thường niên lần thứ 48 về tình hình nhân quyền thế giới của gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó đánh giá về Việt Nam thiếu khách quan và không chính xác.

Phần báo cáo về Việt Nam có 59 trang (dài hơn 16 trang so với báo cáo năm 2023). Xuyên suốt báo cáo là những nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, không chính xác về nhân quyền do các cá nhân, tổ chức có tư tưởng chống đối, thù địch với Việt Nam cung cấp.

Nhìn nhận thực tế phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện quyền con người ở Việt Nam thấy rằng, trước đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo. Sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã thoát nghèo, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Cán bộ, hội viên phụ nữ thôn Phước Hòa, xã Bình Trị (Bình Sơn) nấu “Bữa sáng yêu thương” cho người nghèo. Ảnh: TL

Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì kinh tế tăng trưởng dương trong gần 40 năm qua. Riêng năm 2022, bất chấp tác động từ hậu đại dịch Covid-19 và sự bất ổn của kinh tế, chính trị thế giới, tăng trưởng Việt Nam đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ; năm 2023 tăng trưởng đạt 5,05% - thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới. Quy mô thương mại quốc tế nằm trong Tốp 20 của thế giới, xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.

Cùng với phát triển kinh tế, Việt Nam luôn gắn giải quyết các vấn đề xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, không để xảy ra bất bình đẳng xã hội; xây dựng một xã hội nhân ái, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị nhân văn.

Việt Nam luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của các chiến lược, chính sách phát triển; coi con người là vốn quý, chăm lo cho con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ.

Đặc biệt, mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện các Chỉ số phát triển con người (HDI), bảo đảm quyền con người theo Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ. Ghi nhận thành quả này, ngày 13/3/2024, tại trụ sở Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố báo cáo phát triển con người năm 2023 - 2024, ghi nhận Việt Nam thăng hạng vượt bậc về HDI (tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107/193 quốc gia), thuộc diện các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao.
Việt Nam cũng luôn quan tâm bảo đảm quyền con người của nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, như: Người già, trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, thương bệnh binh... thông qua các chính sách, chương trình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo (tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 4,03% năm 2022 xuống 2,93% năm 2023); phòng, chống mua bán người, mại dâm, bóc lột sức lao động trẻ em...

Về quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin của người dân, đến hết năm 2023, Việt Nam chạm mốc 3 con số 100 triệu dân, thống kê kết nối di động có hơn 161,6 triệu thuê bao, tương đương với 162% tổng dân số; thuê bao dùng Internet là 78,44 triệu, tương đương 79% dân số (đứng thứ 12 thế giới), dùng mạng xã hội hơn 77 triệu tài khoản (tương đương 77% dân số), trong đó Facebook đứng thứ 7, TikTok thứ 6, YouTube thứ 9 thế giới. Số liệu này cho thấy người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin có bước phát triển mạnh mẽ.

Ghi nhận những thành quả trên, trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 do Công ty Gallup International công bố, Việt Nam đứng thứ 54/143 quốc gia, vùng lãnh thổ được khảo sát (tăng 11 bậc so với xếp hạng năm 2023).

Không chỉ bảo đảm quyền con người, Việt Nam còn luôn chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp trong bảo vệ quyền con người trên thế giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá, tín nhiệm cao, trở thành ủy viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam là ưu việt, nhân văn, được đánh giá cao, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ lại viện dẫn một số vụ việc, đối tượng cá biệt bị xử lý hình sự do lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"... rồi chỉ trích, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền là thái độ, việc làm thiếu thiện chí, đi ngược lại những nội dung trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà 2 bên vừa nâng cấp.

Bộ Ngoại giao Mỹ nên nhớ rằng, bên cạnh tôn trọng và bảo đảm quyền con người thì luật pháp quốc tế (Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị) và luật pháp các quốc gia đều quy định quyền con người có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Chưa kể, nội tại Mỹ, hàng ngày vẫn xảy ra hàng loạt vụ việc vi phạm nghiêm trọng nhân quyền nảy sinh từ nạn phân biệt chủng tộc, màu da, phân hóa giàu nghèo, nạn bạo hành, bạo lực, nạn sử dụng súng đạn bừa bãi giết người hàng loạt... thì không được đề cập trong báo cáo thường niên về nhân quyền. Rõ nực cười là "Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người"!

VÕ VĂN DƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202405/bao-cao-sai-lech-ve-tinh-hinh-nhan-quyen-tai-viet-nam-d8d0c5f/